Đọc Binh pháp, ta thấy Tôn Tử rất khiêm tốn.
Dân gian ta hay nói “biết địch biết ta trăm trận trăm thắng”. Trong khi Tôn Tử chỉ nói “biết địch biết ta trăm trận không ngại”. Họ Tôn nói thế là dặn người cầm đầu đại sự cần chuẩn bị cho kĩ, bước chân vào chiến trận phải hoạch định chu toàn; chứ phần thắng thì còn phụ thuộc tình hình. Sự chuẩn bị cũng công phu toàn diện, phải xét đủ Đạo, Thiên, Địa, Tướng, Pháp mới biết phần nào cơ hội thắng trận chứ đâu có dễ dàng gì. Ông bảo nếu thấy không thắng được thì đừng đánh. Đấy là cái khiêm tốn của người có hiểu biết.
Dân ta cũng hay nói “thiên thời địa lợi nhân hòa”. Ba nhân tố thành bại. Họ Tôn lại nói ít ra phải xem năm, chứ không phải ba. Ngoài thiên thời địa lợi nhân hòa, còn phải xem Đạo (nôm na là quy luật, đạo đức, chính nghĩa), và Pháp (ngày nay gọi là quản trị, tri thức, công nghệ).
Cũng vẫn là con người tài hoa ấy, lúc nào cũng dặn là phải tùy, phải ứng biến, khi vào việc phải hiểu chuyện, muốn thắng lợi thì phải chuẩn bị lực mạnh, thế tốt, để giành “cơ trên” trước. Ấy cũng là một thái độ khiêm tốn vậy. Muốn thành công đâu có dễ, và đâu có thể một mình mình định đoạt. Cho nên kể cả khi ta có tư duy tích cực và lạc quan đến mấy, thì vẫn cứ phải học ông Tôn Tử cái đức khiêm tốn, cái năng lực suy nghĩ trước sau, tính toán chu toàn, và khả năng phát triển năng lực để gia tăng khả năng thế chủ động mỗi khi hành sự.
Vả lại, các nhà sử học cũng chỉ ghi nhận được bằng chứng ông Tôn Tử cầm quân có năm lần thôi. Tỉ lệ thắng là 100% thật, nhưng mà đã đánh trăm trận đâu. Với tính cách cẩn trọng có sẵn, Tôn Tử chắc không dám tự phụ mà nhận mình là “độc cô cầu bại”.