Tôn Tử để lại cho hậu thế một tư liệu quý về nghệ thuật chiến tranh. Nhưng hậu thế lại dùng nó thành sách dạy chiến lược trong trường kinh doanh. Vậy là hậu thế tự do hoàn toàn có thể đọc Binh pháp theo cách của mình. Nhiều sách vở về chiến lược truy nguồn lịch sử tư duy quản trị về đến Binh pháp của Tôn Tử, coi đó là điểm xuất phát.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Binh pháp, sau đó dịch ra, truyền đạt tới những người đồng chí cách mạng thông qua báo Cứu quốc vào những năm 1946 (xem Hồ Chí Minh Toàn tập, tập 4), để huấn luyện cán bộ. Tất nhiên, cụ đọc theo kiểu của mình, hiểu theo cách của mình, và sử dụng theo cách của mình để được việc cách mạng.

Sách gốc, chương II (Thiên Tác chiến), Tôn Tử viết:

“Phàm cách dụng binh, xe ruổi nghìn bộ, xe da nghìn cỗ, quân mặc áo giáp mười vạn. Nghìn dặm mang lương thực đi. Thì khoản phí ở trong ngoài, khoản dùng về tân khách, khoản chi về sơn nhựa, khoản tiêu về xe giáp, mỗi ngày tốn đến nghìn vàng có đủ như thế thì mới có thể đem đi được đạo quân mười vạn. Sự đánh nhau, đánh lâu mới thắng thì nhụt đồ binh, cùn khí mạnh, đánh thành thì sức kiệt. Đem quân phơi dãi lâu thì khoản tiêu dùng trong nước phải không đủ.  Nay cùn binh nhụt khí, cạn sức hết tiền, thì chư hầu sẽ thừa dịp núng của mình mà khởi lên, tuy người có trí năng cũng chẳng thể giữ trọn vẹn ở sau được. Cho nên việc binh, nên rằng thà vụng mà chóng chứ không nên khéo mà lâu. Việc binh kéo dài mà nước lợi, chưa từng có vậy.  Cho nên không biết hết cái hại của sự dùng binh, thì không thể biết hết cái lợi của sự dùng binh. Người giỏi dùng binh thì việc phu phen lính tráng không gọi sổ đến hai lần, lương thực không chuyên chở đến ba lần. Lấy dùng ở trong nước, nhân lương của quân địch, cho nên quân ăn có thể đủ được.  Nước nghèo lương quân thì phải chuyên chở xa, chuyên chở xa thì trăm họ nghèo. Gần chỗ quân đóng thì bán được đắt, bán đắt thì trăm họ hết của. Của hết thì đến khoản khâu dịch cũng lúng túng không thể cung nổi. Sức cạn của hết, những kẻ nơi đồng nội đều trống rỗng cửa nhà, trăm họ hao tổn, mười phần mất bảy. Cho nên viên tướng trí năng, cốt tìm cách ăn của bên địch, ăn của bên địch một chung thì đỡ cho mình được hai mươi chung, rơm rác một thạch đỡ cho mình được hai mươi thạch. Giết quân bên địch do ở tức giận vậy.  Hám lợi bên địch do ở của cải vậy.  Cho nên cuộc đánh nhau bằng xe, hễ cướp được xe từ mười cỗ trở lên, sẽ thưởng cho người lính cướp được trước tiên.  Rồi thay đổi cờ xí.  Xe trộn lộn mà cưỡi. Lính khôn khéo mà nuôi.  Thế gọi là thắng kẻ địch để làm mạnh thêm cho mình. Cho nên việc binh quý ở thắng, chứ không quý ở lâu. Cho nên viên tướng giỏi việc binh, là vị thần tư mệnh của dân mà là người chủ sự an nguy của quốc gia vậy. “

Trích Tôn Tử binh pháp, Ngô Văn Triện dịch.

Cụ Hồ phiên thành “Chương 2 – Phép chiến tranh”:

“(Chương này chủ trương đánh mau, giải quyết mau. Đánh lâu thì hao quân tốn của. Lại chủ trương lấy lương thực và khí giới của địch cho quân ta ăn và dùng. Và chủ trương đãi cùng lợi dụng những người địch ta bắt được.)
Hễ dùng binh, thì nghìn chiếc xe ngựa, nghìn chiếc xe bọc da, 10 vạn binh, lương thực chở rất xa, nào tiêu dùng về việc khách khứa , nào tài liệu, nào xe ngựa, phí tổn này khác, ngày hơn nghìn vàng.
Chiến tranh quý thắng lợi chóng. Đánh lâu thì hao minh mòn sức. Quân đội ở ngoài lâu thì trong nước bị thiếu thốn. Ta hao binh mòn sức, thì các nước chư hầu sẽ nhân dịp nổi lên chống ta. Nếu vậy, thì dù người khôn ngoan mấy cũng không thể cữu vãn được.
Vậy nên, dùng binh chóng là khôn, chưa bao giờ có dùng binh lâu mà khéo, cũng chưa bao giờ có dùng binh lâu mà nước nhà có lợi…”

Lời bình thật vắn tắt, sự tái diễn đạt tài tình khiến cho văn bản thật dễ tiếp cận.

Nay, doanh nhân khi đọc Binh pháp, cũng có thể dịch tiếng “binh” sang tiếng “kinh” (doanh) như sau:

Chương 2: Vận hành
Trong các dự án kinh doanh quan trọng, nguồn lực khổng lồ được huy động. Phải chuẩn bị tài lực, vật lực, nhân lực lớn, hậu cần rất phức tạp; Có khi phải dốc hết nguồn lực vào những “trận đánh lớn”. Do đó, phải nhanh chóng tạo ra kết quả. 
Làm lâu mới tạo ra kết quả thì nguồn lực hao tổn, nhuệ khí của nhân viên mệt mỏi. Làm mãi mà không có kết quả thì kiệt sức, chán nản, nhà đầu tư sốt ruột. Sức kiệt thì đối thủ cũ nổi lên, đối thủ mới mọc ra sẽ phả hơi nóng thêm vào cuộc cạnh tranh. Người khỏe mạnh tài năng bền chí đến mấy cũng có thể bị nao núng. Do vậy, việc kinh doanh thà vụng mà chóng có kết quả còn hơn là khéo nhưng lâu. Cần sớm tạo ra kết quả, và thường xuyên cho thấy kết quả. 
Không biết hết cái hại của sự cạnh tranh, thì không thể biết hết cách thức tham gia và vận hành cuộc cạnh tranh hiệu quả để thúc đẩy phát triển.
Tướng giỏi dùng binh thì việc phu phen lính tráng không gọi sổ đến hai lần, lương thực không đòi vận tải đến lần thứ hai. Người giỏi kinh doanh thì phải biết tiết kiệm nguồn lực. Dùng vốn liếng sức lực ban đầu của mình để bắt đầu hoạt động, nhưng dần dà phải huy động thêm nguồn lực từ chính thị trường, từ  khách hàng, từ nhà đầu tư, tạo thành vòng xoay tự vận hành kinh doanh được thì mới bền vững. 
Công ty dù to hay bé thì đều phải quý trọng và gìn giữ nguồn lực. Càng nhiều dự án mở ra, nếu không sinh lợi thì đều làm hao tổn nguyên khí. Cả lúc hưng thịnh lẫn lúc suy vy, việc mở dự án kinh doanh mới đều phải chắt chiu, không làm hao mòn nguyên khí tới mức đưa công ty đến bờ vực sụp đổ. Nguồn lực cần phải được tích lũy, và tích trữ, như xây cái đập tích nước để phòng khi khó khăn còn điều tiết cho hài hòa. Việc kinh doanh mà thua lỗ liên miên, đầu tư dàn trải quá nhiều dự án mới trong khi không thấy kết quả đâu sẽ khiến nước trong đập (nếu có) sẽ cạn dần, làm suy giảm sức khỏe và khả năng sinh tồn bền vững  của tổ chức.
Người giỏi kinh doanh có cách gia tăng nguồn lực nguồn, nhất là từ việc bán hàng. Bán được hàng thì không lo chuyện hết vốn.
Kích thích động lực của nhân viên hăng hái lập thành tích. Tưởng thưởng cho người lập công. Hễ ai tạo ra kết quả, mang về lợi nhuận thì được thưởng xứng đáng. Như thế gọi là tạo kết quả và tích lũy thêm nguồn lực để làm cho tổ chức ngày càng mạnh. 
Việc kinh doanh cốt ở kết quả nhanh chóng, không lề mề.”

Vậy là từ cái lõi bất biến là tư duy chiến lược được Tôn Tử viết ra từ hơn hai nghìn năm trước, hậu thế có thể khoác cho nó cái vỏ của bối cảnh xã hội và công việc cụ thể. Việc đọc được theo cách của mình là một biểu hiện của lối học khai phóng, không bị định kiến. Tìm cách tái diễn giải tác phẩm gốc ra thứ tri thức gần gũi có ích cho mình. Từ đó, ta sẽ làm cho tác phẩm cũ, sách cổ điển có lại một đời sống mới năng động.

Written by Tấn Dương