Hôm rồi, trong buổi ra mắt chương trình trải nghiệm âm nhạc cổ điển Libero Music, có vị khán giả gợi ý cho ban tổ chức rằng đề nghị đồng chí dẫn chương trình hãy kể chuyện về nhạc phẩm để giúp người nghe nhập vào tác phẩm dễ hơn, nghe cũng sẽ thấy hay hơn. Nghệ sĩ clarinet Trần Khánh Quang đáp lại: như thế cũng được, nhưng cũng có cái mặt trái là không khéo lại đẻ ra một cái”mẫu” nghe nhạc, đóng khung sự tưởng tượng của người nghe. Còn violinist Phạm Trường Sơn thì thốt ra một câu kinh điển “Âm nhạc tự nó là đỉnh cao đối thoại”. Như tôi thấy thì nói chung cánh nghệ sĩ 10 vị thì 9 vị rưỡi sẽ nói “để tôi dùng nhạc cụ nói chuyện thay mồm miệng; nhuận tay hơn nhuận mồm”.

Kì thực là nếu có phân ra làm hai phe thì chúng ta thấy nhạc được chia thành có câu chuyện và không có nội dung (giống như các nhà sử học âm nhạc đã ghi lại một cuộc Nhạc chiến của những người lãng mạn (Wars of Romantics) nửa sau thế kỉ 19, chia rẽ hai bên: nhạc có nội dung (narrative music/program music) và nhạc thuần túy (pure music). Nhưng dù có khoác áo nào đi chăng nữa thì âm nhạc vẫn dùng âm thanh (trong đó chứa giai điệu, hòa âm, nhịp điệu và giọng hát) như là phương tiện chính để biểu đạt. Âm nhạc là ngôn ngữ của âm thanh. Vì thế khi ta mô tả một bản nhạc bằng bất kì câu chuyện gì về cơ bản là ta đang “dịch” sang “tiếng người”. Mà dịch thì dù khéo mấy cũng khó tránh khỏi “phá”, hoặc “chế” thêm.

Tôi chợt nhớ bài nói chuyện của cụ nghệ sĩ Benjamin Zander trên TED “Life lessons from Beethoven’s Symphony No. 9”. Ông cụ cho thấy một cách nghe khác hẳn về Sonata ánh trăng. Bình thường người ta cứ phải biểu diễn thật nhẹ nhàng , đến mức lờ đà lờ đờ như lúc nào cũng phải như thế; nhưng khi tưởng tượng khác đi, cảm nhận khác đi, tay phải chơi ở tốc độ khác đi một chút thì khung cảnh hiện ra trong đầu nó cũng không còn như trước. Thế là có một phiên bản khác của Sonata ánh trăng. Cơ mà hóa ra cụ Beethoven có gọi nó là ánh trăng đâu. Cụ đặt tên nó là “Sonata quasi una fantasia” (Bản Sonata gần như là ảo mộng); cái tên Moonlight Sonata hóa ra là một sản phẩm của marketing. Mà marketing thì phải đặt nhãn tốt, kể chuyện hay thì “bán” được nhiều.

Cho nên, có vẻ như thách thức đối với các MC (nếu có nghe lời vị khán giả kia) là nếu có muốn kể chuyện thì cũng phải tìm hiểu kĩ để kể cho đúng, cho hay, nhưng không được đóng khung cách thưởng thức âm nhạc của người nghe. Khó thật sự chứ chẳng đùa!

NGOẠI ĐỀ TRỮ TÌNH:

Cũng chợt nhớ chuyện gần đây liên quan đến nhạc mà cũng không phải nhạc. Chả là thầy Vũ Đức Liêm có giảng một bài rất hay về lịch sử thế giới, trong một sự kiện của Câu lạc bộ Sách và những câu chuyện, nhân dịp cuốn “Trái đất chuyển mình” của Frankopan ra mắt ở Việt Nam. Trong đó thầy dẫn bài hát “Scarborough fair”, đặt giai điệu và lời hát của nó cạnh “Ngồi tựa song đào” của vùng Kinh Bắc, rồi thầy xâu chuỗi để cho khán giả một cảm nhận về sự thay đổi thân phận của người phụ nữ qua thời gian, sự biến chuyển của các thiết chế.

Câu chuyện thầy kể hay đến mức mà cậu thực tập sinh của chúng tôi cứ ngồi lắc lư, “múa” theo nhịp điệu của giáo sư sử học. Cậu nói cậu có trải nghiệm rất sướng. Bản tính tò mò khiến tôi lan man làm một nghiên cứu bỏ túi để khảo sát bài hát đó. Hóa ra nhiều chuyện hơn mình tưởng. Đây là một số kết quả chính:

1. Gốc gác đầu tiên của bài dân ca Celtic này có thể là một bài hát về quỷ và phù thủy từ thế kỉ 17: “The Elfin Knight”. (Lời hơi dài, tôi không trích ra ở đây).
Lời bài hát của của Scarborough Fair (như một phiên bản sau này của The Elfin Knight) phảng phất tinh thần cũ, nhưng thiếu vắng quỷ dữ, nội dung đại khái vẫn theo một mô típ: một người đàn ông ra một đề bài cho một cô gái đang đi chợ phiên (cái chợ nổi tiếng nhất nhì dạo đó là cái ở Scarborough) “nếu làm được về đây làm người yêu của anh”. Một mô típ giống như trong “Lá diêu bông” của Hoàng Cầm, một đề bài không có lời giải. Cách hát cổ cũng khác cách hát hiện nay, chậm, ma mị và “mộc” hơn. Nhưng kể cả như vậy thì đó cũng chỉ là một cách mô tả về bài hát. Có nhiều phiên bản khác liên quan đến ma quỷ, liên quan đến lừa lọc, dược tình. Có lẽ lời bài hát vốn rất “chung chung” nên có nhiều khoảng trống cho trí tưởng tượng phong phú.

Đây là lời bài dân ca cổ:

“O, where are you going?”
“To Scarborough fair,”

Savoury sage, rosemary, and thyme;”
Remember me to a lass who lives there,

For once she was a true love of mine.”
And tell her to make me a cambric shirt,
Savoury sage, rosemary, and thyme,
Without any seam or needlework,
And then she shall be a true love of mine.”
And tell her to wash it in yonder dry well,
Savoury sage, rosemary, and thyme,
Where no water sprung, nor a drop of rain fell,
And then she shall be a true love of mine.”

Tạm dịch nghĩa:

“Này, cô em đi đâu thế?”
“Tới hội chợ Scarborough,”
Đến với xô thơm, hương thảo và húng tây;”
“Hãy nhớ giùm tôi cô gái sống ở đó,
Một dạo cô ấy là tình yêu đích thực của tôi.”
Hãy bảo cô ấy may cho tôi một chiếc áo vải lanh,
Có xô thơm mặn, hương thảo và húng tây,
Đừng để lộ đường may hoặc khâu vá nào,
Rồi cô ấy sẽ lại là tình yêu đích thực của tôi.”
Em bãy bảo cô ấy giặt nó ở chỗ khô ráo đằng kia,
Chỗ có xô thơm mặn, hương thảo và húng tây,
Nơi không có nước phun trào, cũng không có một giọt mưa rơi,
Và rồi cô ấy sẽ là tình yêu đích thực của tôi.”

Sau khi chồng lấp, S&G khiến lời hát nó ra thế này:

Are you going to Scarborough Fair?
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Remember me to one who lives there
She once was a true love of mine

Tell her to make me a cambric shirt
(On the side of a hill, in the deep forest green)
Parsley, sage, rosemary, and thyme
(Tracing of sparrow on snow-crested ground)
Without no seams nor needle work
(Blankets and bedclothes the child of the mountain)
Then she’ll be a true love of mine
(Sleeps unaware of the clarion call)
Tell her to find me an acre of land
(On the side of a hill, a sprinkling of leaves)
Parsley, sage, rosemary and thyme
(Washes the grave with silvery tears)
Between the salt water and the sea strands
(A soldier cleans and polishes a gun)
Then she’ll be a true love of mine

Tell her to reap it with a sickle of leather
(War bellows blazing in scarlet battalions)
Parsley, sage, rosemary, and thyme
(Generals order their soldiers to kill)
And gather it all in a bunch of heather
(And to fight for a cause they’ve long ago forgotten)
Then she’ll be a true love of mine

Are you going to Scarborough Fair?
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Remember me to one who lives there
She once was a true love of mine

Hai danh ca của thế giới đã lồng lời của Canticle (phần trong ngoặc) vào bài hát cũ. Một người hát lời chính; người còn lại đế thêm vào lời thứ hai để nêu cao tinh thần phản chiến. Hai cụ đã chơi mashup từ rất sớm.

Google dịch phần phản chiến ra như sau, cũng khá tốt. Hãy để ý hai câu cuối rất đắt:
(Bên sườn đồi, trong rừng xanh thẳm)
(Theo dấu chim sẻ trên mặt đất phủ tuyết)
(Chăn chăn ga gối đứa con của núi)
(Ngủ mà không biết về tiếng gọi rõ ràng)
(Bên đồi rải lá)
(Rửa mộ bằng nước mắt bạc)
(Một người lính lau chùi và đánh bóng súng)
(Tiếng chuông chiến rực cháy trong các tiểu đoàn đỏ tươi)
(Các tướng ra lệnh giết)
(Và để chiến đấu vì một lý tưởng mà họ đã lãng quên từ lâu)


Tôi đoán là cũng vì cái ý tưởng phản chiến, lại đúng hoàn cảnh chiến tranh thời đó mà hết cụ Phạm Duy, và sau này Trần Tiến khi phiên lời Việt, ẩn hiện hình ảnh người lính tử trận, nguồn cơn của những chia li và cuộc tình không trọn vẹn. Ý nghĩa của lời Việt nó đi khá xa bài hát gốc.

3. PHẠM DUY và vụ bản địa hóa cả cây cỏ và mùi hương
Cụ Phạm Duy, có lẽ nghe bài hát của S&G từ nguồn tiếng Pháp (ko biết có đúng không nữa, là lại chính cụ Duy đặt lời Pháp này?), cho nên đặt lời hao hao lời Pháp (YouTube còn lưu một phiên bản Thanh Lan hát năm 1973 — hiện nay người ta không hát lời này, mà dịch sát nghĩa bài tiếng Anh):
Lời Pháp thế này, khá xa bài hát gốc:

“Pauvre garçon qui pense au pays
Chevrefeuille que tu es loin
Pauvre garçon que lamour oublie
Un peu plus à chaque matin
Veux-tu ma belle tailler pour moi
Chevrefeuille que tu es loin Une chemise dans les draps
Où naguère nous dormions si bien
Veux-tu me trouver un arpent de terre
Chevrefeuille que tu es loin
Tout près de léglise au bord de la mer
Pour chanter mon dernier refrain
Maintenant je sais que cest la fin du soleil
Chevrefeuille que tu es loin
Et je voudrais que ce soit toi ma belle
Qui menterre de tes propres mains
Pauvre garçon qui pense au pays
Chevrefeuille que tu es loin
Pauvre garçon que l`amour oublie
Un peu plus à chaque matin”


Cụ Phạm Duy đặt lời như sau, phải nói là Việt Nam rất:
(Giàn thiên lí — chả liên quan đến chợ búa gì)
“Tội nghiệp thằng bé cứ nhớ thương mãi quê nhà
Giàn thiên lý đã xa, đã rời xa
Đứa bé lỡ yêu, đã lỡ yêu cô em rồi
Tình đã quên mỗi sớm mai lặng trôi.
Này, này nàng hỡi, nhớ may áo cho người
Giàn thiên lý đã xa tít mù khơi
Tấm áo cắt ngay đã cắt trên khăn mượt mà
Là chiếc chăn đắp chung những ngày qua.
Tìm một miếng đất cho gã si tình
Giàn thiên lý đã xa mãi ngàn xăm
Miếng đất cắt hoang, miếng đất ngay bên giáo đường
Biển sẽ ru tiếng hát bên trùng dương.
Giờ đã đến lúc tan ánh mặt trời
Giàn thiên lý đã xa mãi người ơi
Lấp đất hố tôi, lấp nối đôi tay cô nàng
Thì hãy chôn trái tim non buồn tênh.”

Cái tài của cụ Phạm Duy là khả năng Việt hóa toàn diện, từ lời hát đến biểu tượng và câu chuyện và tinh thần chung. Đến cây cỏ cụ cũng Việt hóa luôn. Nguyên liệu nhà người ta toàn là xô thơm, hương thảo, mùi tây, với lại húng tây (những thứ cây cỏ rất chi là dậy mùi – có thuyết cho rằng chúng gợi lại những nguyên liệu trừ tà từ thời trung cổ), nhưng sang cụ Duy thì còn lại là mùi thiên lí. Cũng là dậy mùi, nhưng nó rất chi là Việt. Cái hay là trong tâm tưởng người Việt thời đó, giàn thiên lí gợi lại chuyện tình yêu. Cụ Duy dịch, nhưng thật ra là sáng tác lại.
Không một lời nào về “người lính”, hay “chiến tranh”, nhưng rất dễ liên tưởng sự chia cách vì lí do chiến trận.

4. TRẦN TIẾN – Phiên chợ xa
Quãng những năm 2000, trong cảm hứng du ca, cụ Trần Tiến cũng có đặt lời, lần này thì khuôn mặt chiến tranh rõ nét chứ không còn phảng phất:
Phiên chợ xa
(Trần Tiến)
Bạn tìm đến đó phiên chợ quê xa nghèo
Người con gái giữa hoa trái cỏ thơm
Hãy nói với em dẫu chiến tranh vời vợi
Người lính xưa sẽ quay về tìm em
Bầu trời tuyết trắng áo hoen đắp cho chàng
Còn hơi ấm mối tình ngát cỏ thơm
Hãy nói với em dẫu chiến tranh vời vợi
Người lính xưa sẽ quay về tìm em
Từng chiều vắng bóng những người lính trở về
Mùa thu lá rơi trên những đồi cao
Hãy nói với em dẫu chiến tranh vời vợi
Người lính xưa sẽ quay về tìm em
Mộ người lính ấy giữa đồng hoang hiu quạnh
Giọt nước mắt rơi trên những đồi cao
Hãy nói với em dẫu chiến tranh chia xa
Người lính xưa sẽ quay về tìm em.

Đây là một lời hát mà tôi rất thích. Khi hát một mình tôi thích hát lời này, thỉnh thoảng lồng vào vài câu điệp khúc gốc.

Như vậy là:
Từ một bài hát dân ca, đã trở thành một siêu phẩm nhạc phổ thông có rất nhiều cách hát, nhiều cách kể chuyện. Với một tác phẩm nổi tiếng là thế, nhưng các nghệ sĩ thế hệ sau vẫn cứ tiếp tục tìm tòi những cách thể hiện mới. Thế thì hà cớ gì, chúng ta những người tiêu thụ phải đóng khung vào khuôn mẫu. Cứ việc tưởng tượng và tái tạo trong đầu một câu chuyện của riêng mình có phải hay hơn không?

Chắc chắn chúng ta biết sức mạnh của câu chuyện. Nhưng khi tiếp cận âm nhạc, câu chuyện có thể đi trước, cũng có thể đi sau. Tôi đã ngồi góc nhà tự kỉ chơi bản “Scarborough Fair” vì thanh âm gây nghiện của nó. Phải rất lâu sau này mới quan tâm nó kể chuyện gì. Cả hai đều hay.