Nhân chuyện rà soát lại cái ý tưởng “Agile Education”, mình muốn soi lại các best practices trong giáo dục sau phổ thông. Và lẽ thật tự nhiên là phải soi lại cái “Bảy nguyên lí” rất nối tiếng (Seven Principles for Good Practice in Undergraduate Education) và có ảnh hưởng được đề xuất bởi Arthur W. Chickering và Zelda F. Gamson.

Trên mạng tiếng Việt hiện nay có nhiều báo online đăng lại bài viết của một vị học giả Lê Văn Hảo đã đăng trên tạp chí Tia sáng (ví dụ: http://www.tienphong.vn/giao-duc/148808/Bay-nguyen-tac-day-tot-o-bac-dai-hoc.html) . Tuy nhiên, bài viết này đề cập tới các practice cụ thể của việc dạy – chỉ là một khía cạnh hẹp trong đề cập của Chickering và Gamson. Các nguyên lý của họ là để hướng dẫn cho cả tổ chức giáo dục, lẫn các nhân viên của nó – trong đó giáo viên là lực lượng nòng cốt – trong thực hành giáo dục bậc đại học.

Vì không có bài dịch tác phẩm gốc nên tôi tạm dịch phần tóm tắt, quẳng vào đây để tiện thao khảo về sau. Do dịch vội nên câu cú có thể hơi thô lậu, vô cùng xin lỗi bạn đọc.

___________________________________

Bảy nguyên tắc thực hành tốt trong giáo dục Đại học

Arthur W. Chickering và Zelda F. Gamson

1.    Khuyến khích tương tác thầy-trò
Việc tiếp xúc thường xuyên giữa thầy và trò trong cũng như ngoài lớp học là yếu tố quan trọng nhất trong việc động viên và thu hút sinh viên vào các hoạt động học tập. Người thầy quan tâm đến việc trợ giúp sinh viên vượt qua được những khó khăn để bước tiếp. Việc quen biết các giảng viên có thể giúp gia tăng sự gắn bó với học thuật và khuyến khích họ suy nghĩ về các giá trị riêng của họ cũng như các kế hoạch trong tương lai.

2.    Khuyến khích sự cộng tác giữa sinh viên
Việc học được cải thiện khi làm việc nhóm hơn là một cuộc đua cá nhân. Học tốt, cũng như làm việc tốt, là hoạt động mang tính cộng tác và xã hội, không phải là cạnh tranh và cô lập. Việc chia sẻ ý tưởng và phản hồi ý tưởng của người khác có thể nâng cao khả năng tư duy và hiểu biết sâu sắc.

3.    Khuyến khích học tập tích cực
Học tập không phải là một môn thể thao dự khan. Sinh viên không học được nhiều nếu chỉ ngồi nghe giảng, ghi nhớ các bài tập cho trước, rồi trả lời chúng. Họ phải nói chuyện về cái họ đang học, viết, lien hệ tới các kinh nghiệm trước đó và áp dụng trong đời sống thực của họ. Họ phải biến cái họ học thành cái của mình.

4.    Cung cấp phản hồi kịp thời
Việc nắm được bạn biết cái gì và không biết cái gì sẽ giúp bạn tập trung trong học tập. Sinh viên cần các phản hồi thích hợp về hiệu quả của khóa học. Để bắt đầu, sinh viên cần giúp đỡ trong việc đánh giá các kiến thức và năng lực đầu ra của khóa học. Trong lớp, sinh viên cần có cơ hội thường xuyên để thực hiện và nhận được các gợi ý cải tiến. Trong suốt thời kì học tập, và khi kết thúc khóa học, sinh viên cần cơ hội để suy tưởng (reflection) về những thứ họ học được, cái cần phải biết them và cách thức đánh giá chúng.

5.    Nhấn mạnh yếu tố thời gian trong công việc (task)
Thời gian + năng lượng = học tập.  Không có sự thay thế cho thời gian cho cho công việc. Việc học cách sử dụng thời gian là một kĩ năng sống còn đối với sinh viên cũng như các công việc chuyên môn khác. Sinh viên cần giúp đỡ để quản lí thời gian hiệu quả. Phân bố khối lượng công việc phù hợp đồng nghĩa với việc học tập hiệu quả của sinh viên cũng như việc dạy học hiệu của đối với giáo viên. Cách thức một trường học xác định kì vọng về thời gian đối với sinh viên, giáo viên, giáo vụ, và các chuyên viên khác có thể thiết lập nền tảng cho sự hiệu quả cao trong công việc của tất cả mọi người.

6.    Đặt kì vọng cao
Kì vọng nhiều hơn và bạn sẽ gặt hái nhiều hơn. Kì vọng cao rất quan trọng với tất cả mọi người – cả người ít chuẩn bị, người không kì vọng gì vào chính mình, và cả cho người thong minh sang sủa cũng như có động lực cao trong học tập. Việc Kì vọng sinh viên học tốt sẽ trở  thành kim chỉ nam cho nỗ lực tự hoàn thiện khi giáo viên và trường học kì vọng vào chính học và thực hiện các nỗ lực khác.

7.       Tôn trọng sự khác biệt về năng khiếu và cách học
Có nhiều cách để học. Mọi người có năng khiếu khác nhau và phong cách học khác nhau khi đến trường. Sinh viên xuất sắc trong phòng seminar có thể rất vụng về trong phòng lab hoặc studio. Sinh viên có nhiều kinh nghiệm thực tiễn có thể không giỏi trong lí thuyết. Sinh viên cần có cơ hội để thể hiện năng khiếu của họ theo cách riêng của họ. Khi đó họ có thể được thúc đẩy việc học theo những cách thức mới mẻ mà không gặp khó khan gì.