Bản chất của việc ứng dụng Scrum là tạo ra sự thay đổi trong cung cách làm việc.

ScrumAlliance có tôn chỉ “Transforming the world of work” – thay đổi cách làm việc.

Ken Schwaber, Jeff Sutherland, hay Mike Cohn ít khi dùng từ Agile Adoption (tức là dùng Agile như công cụ) mà là “Agile Transition” hay “Agile Transformation” – sự chuyển đổi mang tính căn cơ, dẫn đến sự thay đổi về văn hóa công ty. Mà việc này thì vượt ra khỏi phạm vi một vài practices, vài methods giúp ai đó năng suất hơn.

Agile cổ súy “thích ứng với thay đổi”, “sống chung với thay đổi” chứ không “quản lí sự thay đổi”.

Để đạt được kết quả như mong muốn, các lãnh đạo Agile phải biết lợi dụng sự thay đổi cho mục tiêu của công ty, định hướng nó để không những không cản trở mà còn nâng đỡ để đạt mục tiêu tốt hơn.

Đó là lí do tại sao Ken, Jeff hay Mike khuyến cáo mọi người nên đọc John Kotter.

Hôm nay tôi xin giới thiệu với các bạn cuốn sách hữu ích mà tôi ưa thích của vị GS nổi tiếng trường Havard này: Dẫn dắt sự thay đổi.

leadingchange


PS. Nhân tiện về chủ đề này, mời bạn đọc thêm vài dòng một bài biết trên trang nhà của Trường doanh Nhân Pace; chả liên quan gì đến Agile, nhưng cũng không vì thế mà xa lạ:

“DẪN DẮT SỰ THAY ĐỔI” – NĂNG LỰC “VÀNG” CHO THỜI KHỦNG HOẢNG

Khủng hoảng kinh tế, sự thay đổi trong xu hướng công nghệ, tiêu dùng, từ lâu, luôn là nỗi ám ảnh của các doanh nghiệp. Bởi lẽ, nó là nguyên nhân khiến cho hàng loạt công ty danh tiếng một thời như Kodak, Yahoo!, Dell, Motorola, Sony hay thậm chí là Mircosoft phải lâm vào cảnh phá sản hoặc thua lỗ triền miên. Tuy nhiên, trong bối cảnh u ám ấy, vẫn có nhiều công ty lội ngược dòng mạnh mẽ và tăng trưởng bền vững nhờ khả năng làm chủ và dẫn dắt được sự thay đổi trong tổ chức như IBM, IDEO hay Zappos.com.

IBM – Ai bảo voi không thể khiêu vũ?

Thập niên 1990, “gã khổng lồ xanh” IBM đứng trước bờ vực phá sản khi phương châm “hãy làm tốt những gì đã làm” được định hình bởi người sáng lập Thomas J. Watson đã không còn phù hợp trong thời đại Internet. Tháng 4/1993, Louis V. Gerstner Jr. đã được chiêu mộ cho vị trí CEO với kỳ vọng sẽ vực dậy “gã khổng lồ xanh” IBM. Rất nhiều người đã hoài nghi khả năng của Gerstner cũng như triển vọng hồi phục của tập đoàn khổng lồ này bởi cấu trúc IBM vốn được ví như một chú voi to lớn cồng kềnh. Song, chỉ sau 18 tháng, Gerstner đã chứng minh được tài lãnh đạo kiệt xuất của mình thông qua sự hồi phục và tăng trưởng ấn tượng của IBM; đồng thời khẳng định các tập đoàn lớn với hệ thống tổ chức khổng lồ vẫn có thể linh hoạt như các doanh nghiệp vừa và nhỏ, giống như “voi cũng có thể khiêu vũ” vậy. Tất cả đều nhờ vào khả năng dẫn dắt sự thay đổi từ bên trong tổ chức.

IDEO – Sáng tạo đâu cần xin phép!

IDEO là công ty thiết kế mà gần như năm nào cũng đoạt được vài giải thưởng thiết kế công nghiệp uy tín nhất thế giới – “Industrial Design Excellence Awards”. Riêng năm 2003, công ty này giành đến 8 giải thưởng. Tại IDEO, tính sáng tạo là nét văn hóa nổi bật nhất và cũng là điều CEO Tim Brown luôn khuyến khích mỗi nhân viên toàn quyền phát triển.

“Khuyến khích nhân viên sáng tạo sẽ giúp công ty thực thi nhiều chiến lược tăng trưởng khác nhau, tạo  ra nhiều sản phẩm đột phá cho thị trường, và cho phép nhân viên học hỏi từ sai lầm,” CEO Tim Brown chia sẻ. “Nhờ tính sáng tạo, chúng tôi luôn có thể nhanh chóng thích nghi với những thay đổi trong môi trường kinh doanh cũng như xu hướng hành vi mới mẻ của khách hàng.”

Năm 2010, Tạp chí BusinessWeek bình chọn IDEO là một trong 25 công ty sáng tạo nhất thế giới; và thật thú vị khi biết rằng 24 công ty còn lại trong danh sách đều nhận dịch vụ tư vấn sáng tạo của IDEO.

Zappos.com – Văn hóa công ty có thể thay đổi con người.

Được thành lập năm 1999 và sau gần mười năm không ngừng tăng trưởng, Zappos.com trở thành công ty kinh doanh giày trực tuyến lớn nhất thế giới, doanh thu đạt 4,3 tỷ USD vào năm 2008 và  được Amazon.com mua lại một năm sau đó. Không chỉ nổi tiếng nhờ mô hình kinh doanh đột phá, Zappos.com còn được ca ngợi bởi khả năng làm chủ sự thay đổi, văn hóa tổ chức tích cực, khuyến khích tinh thần lãnh đạo sáng tạo và trao quyền cho nhân viên thuộc mọi cấp độ. Một minh chứng cho những giá trị này là công ty sẵn sàng trả 2.000 USD cho nhân viên nào muốn nghỉ việc với lý do không phù hợp với văn hóa công ty và không cảm thấy hứng thú với công việc mà họ đang làm nhằm bảo vệ văn hóa tổ chức tích cực mà Công ty dày công xây dựng. Năm 2011, Zappos chễm chệ ở vị trí thứ 6 trong top 10 công ty có môi trường làm việc tốt nhất nước Mỹ với số lượng nhân viên tăng 37%, đạt hơn 1.800 người.

Thay đổi là thuộc tính bất biến của mọi sự vật, hiện tượng. Và chỉ những tổ chức biết cách tự điều chỉnh mình để thích nghi và sớm dẫn dắt được sự thay đổi từ bên trong tổ chức mới có thể đạt được thành công bền vững.

Trường Doanh Nhân PACE