Năm mới con Khỉ đã sang, khép lại một năm con Dê sôi nổi với những sự kiện đổi mới giáo dục nước nhà. Trong khi dư luận vẫn còn mải tranh luận và bình luận về chính sách thi đại học kiểu mới, dự thảo đổi mới giáo dục phổ thông còn nhiều điều chưa hợp lý, hay con số giật mình ngót hai trăm nghìn cử nhân thạc sĩ thất nghiệp, thì những dòng đổi mới giáo dục trên thế giới đang cuộn chảy ầm ầm. Trong khi thế giới không dừng bước chân kiếm tìm những phương thức giáo dục mới, những công cụ giáo dục mới, những công nghệ với kì vọng thay đổi gốc rễ cách thức chúng ta học tập, thì người dân Việt Nam vẫn cần phải hết sức kiên nhẫn để vài năm nữa đề án đổi mới giáo dục phổ thông mang tiếng là “đổi mới toàn diện và triệt để” sẽ được thông qua và bắt đầu đi vào cuộc sống. Trong thời gian người lớn bàn chuyện đổi mới, trẻ con đã kịp lớn lên và vẫn học theo chương trình cũ.
Ở thời đại mà Internet đã có thể chui vào tận bản xa xôi nhất của vùng núi Tây Bắc hay nơi tận cùng của đất mũi Cà Mau như hiện nay mà phải chờ lâu như thế, hẳn nhiều người thấy rất sốt ruột.
Thế nhưng dường như xã hội sốt ruột xong cũng để đấy. Kể cả khi góp ý rất hăng, mọi người lại cứ mong chờ một tiếng trống lớn gióng lên từ ông Bộ Giáo dục và sau đấy sẽ đồng loạt “hưởng ứng” theo. Mọi người vẫn kiên nhẫn hy vọng và đợi chờ.
Liệu có cách nào để đổi mới ngay lúc này, cho trẻ em của hôm nay, chứ không phải đi đâu xa tìm kiếm hay đợi vài năm nữa để thông qua một cú hích vĩ đại nào đó?
Thời đại có tính chất biến động từng ngày hiện nay đòi hỏi ở sự nghiệp đổi mới giáo dục một cách tiếp cận khác, giản dị hơn, ít tốn kém hơn, nhanh chóng hơn, kịp thời hơn. Nó cần phải bắt đầu từ người dân. Nói theo lối cũ là “xã hội hóa” hiểu theo nghĩa tích cực, nói theo mốt là “đổi mới từ dưới lên”. Như ngày xưa, chúng ta có “chiến tranh nhân dân”, thì cũng cần một tư duy “đổi mới từ người dân” như thế, chứ không phải và cũng không thể xây dựng một kế hoạch lớn vĩ đại làm thỏa lòng mọi tầng lớp người dân trong một thời gian đủ ngắn.
Đổi mới từ dưới lên có những hình thù nào? Là mở cửa để những sáng kiến và dự án cấp độ vi mô có cơ hội được nảy nở. Từ người trực tiếp đứng lớp, đến những nhóm xã hội dân sự, hay những startup công nghệ xông vào địa hạt giáo dục và mang lại những sáng kiến mới, thay da đổi thịt từng tí một cho đơn vị giáo dục mà nó tác động. Sự thay đổi không núp bóng những dự án hoành tráng này có khả năng triển khai sớm, với nguồn lực không lớn, và tạo ra hiệu quả ngay lập tức, và qua năm tháng có thể tích tụ thành những thay đổi lớn lao. Thế giới không thiếu những bài học thành công từ những cải cách từ dưới lên như vậy.
Để cho ý tưởng về đổi mới từ dưới lên này có thể lan tỏa tới mọi tầng lớp của xã hội, điều khó khăn nhất phải vượt qua có lẽ là việc xóa bỏ tư duy bao cấp và ỷ lại trong giáo dục. Bấy lâu nay xã hội chúng ta vẫn quen với việc khoán trắng trách nhiệm giáo dục cho đầu não Bộ giáo dục, đó qủa đúng là một sự ỷ lại vĩ đại. Ngược lại, Bộ vẫn bao sân đủ mọi chuyện trong giáo dục, từ chương trình, sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, cho đến quy định cả nét chữ mà trẻ con cần phải tập viết ở lớp Một. Giáo dục mà có ra sao, tại tất ông Bộ.
Ngày nay cần phải khác đi, và cũng có điều kiện để làm khác đi. Các nhóm xã hội dân sự cần xắn tay vào giải quyết những vấn đề giáo dục của nước nhà. Nếu thấy sách giáo khoa bất cập, hãy tự mình làm một bộ, như thể nhóm Cánh Buồm làm “ví dụ” suốt mấy năm qua. Nếu thấy chương trình giáo dục lạc hậu, hãy tổ chức một đội để tự xây dựng một chương trình khác. Nếu thấy trẻ con không có gì ngoài trò chơi trên điện thoại hay iPad, hãy khởi nghiệp để làm ra một phần mềm giáo dục hấp dẫn không kém cạnh tranh với “Angry Bird” hay những video clip nhí nhố trên YouTube. Nếu thấy nền giáo dục này thiếu sách và tài liệu tiếng Việt cho bồi dưỡng năng lực của giáo viên và nhà quản lí, hãy tổ chức lấy một nhóm dịch thuật hay biên soạn. Nếu giáo viên thấy không thể chịu được với những bài giảng chán ngắt, có thể tìm kiếm những giải pháp khác thay thế hoặc bổ sung. Nếu trường học thấy cần phải bổ sung những kiến thức hay kĩ năng mới, có thể tổ chức những thay đổi cấp trường trong giờ chính khóa hoặc ngoài giờ. Nếu thấy những nhu cầu học tập chưa đáp ứng, các nhóm khởi nghiệp có thể đưa ra những giải pháp. Nếu thấy trẻ con thiếu trường học chất lượng tốt, hãy đầu tư một trường. Thay vì ngồi nhìn, chỉ trích, góp ý, hay chờ đợi, xã hội có thể nghĩ đến những “khả năng”, “cơ hội”, tìm cách để hiện thực hóa nó bằng hành động, để thay đổi từ quy mô nhỏ nhất. Đó là những cách tích cực hơn để thúc đẩy một cuộc đổi mới thực sự.
Về mặt chính sách, nhà nước cần bỏ tư duy bao cấp, để cho các cơ sở “nhiều cửa hơn”, để người dân “nhiều đất” hơn trong phát huy nguồn lực và trí tuệ sẵn có, góp sức vào công cuộc tạo dựng một nền giáo dục mới hiện đại hơn. Nếu ai chịu khó quan sát những hoạt động “ngoài giờ”, hoặc những hình thức giáo dục đội lốt các thể loại “câu lạc bộ” ở nhà trường phổ thông hiện nay, chúng ta có thể thấy có những chỗ nhà nước muốn bao cấp, muốn quản chặt cũng chẳng được. Chi bằng phát triển một hệ thống giáo dục cởi mở. Thay vì chỉ tập trung đề xuất những cải cách lớn lao từ trên xuống, chúng ta có thể gây dựng một “hệ sinh thái đổi mới” với cơ cấu mở, cho phép mọi thành phần tham gia vào. Hệ sinh thái này có thể nên xoay quanh chữ “tự”: khuyến khích tự đổi mới từ dưới lên, khuyến khích sự tự giác vận động đổi mới ở các cấp, giáo viên và cơ sở giáo dục tự nâng cấp mình, hướng đến một tinh thần tự học bền lâu của cả trẻ em và người lớn. Dứt khoát từ bỏ đường lối bao cấp, kể cả trong tư duy và hành động, chính là nuôi dưỡng một tinh thần tự chủ rộng khắp, cũng là lúc “xã hội hóa giáo dục” đi vào thực chất.
Hiện nay phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam đang hết sức được chú ý, giới giáo dục không nên bỏ lỡ cơ hội tham gia vào quá trình này. Chúng ta có thể tham khảo những Khan Academy, Coursera, Code.org để làm ra những điều tương tự ở Việt Nam, cung cấp những cơ hội học tập mới cả trong và ngoài nhà trường. Ở ta hiện nay có rất nhiều startup với mong muốn thay đổi thế giới, trở thành tỉ phú trước tuổi 35, nhưng lại rất thiếu những ước mơ startup thay đổi cách học của người Việt. Cần những tác động về chính sách, từ giới truyền thông, và cả trong giới giáo dục để tạo ra sự giao thoa giữa làn sóng khởi nghiệp công nghệ và làn sóng đổi mới giáo dục, gia tốc thêm cho sự đổi thay của giáo. Với giáo dục số hóa và những công nghệ giáo dục đột phá, sự đổi mới với quy mô hàng triệu người sẽ dễ dàng hơn rất nhiều so với những phương thức cũ mà chúng ta đang cố gắng làm đi làm lại. Rõ ràng là các nhà đổi mới giáo dục không nên chậm trễ trong việc nắm bắt lấy cơ hội hòa nhập nhanh chóng với làn sóng công nghệ giáo dục toàn cầu hiện nay.
Các nhà nghiên cứu về cách thức ra quyết định chiến lược trong những hệ thống có độ phức tạp cao độ và khó đoán định cho rằng không thể có được quyết định tối ưu nhờ vào cách tư duy phân tích để tìm ra giải pháp tối ưu ngay từ đầu. Trong những môi trường và điều kiện phức hợp như tình hình giáo dục quốc dân, điều cần thiết là phải tạo điều kiện cho những sáng kiến được nảy nở, từ đó những kiểu mẫu tốt được phát hiện và được nhân giống. Một hệ thống tự-tổ-chức sẽ ưu việt hơn một hệ thống có tính chất kế hoạch hóa tập trung. Tổ chức một hệ thống tự-tổ-chức như vậy mới chính là con đường mà chúng ta có thể xây dựng theo tinh thần “ở đây và bây giờ”. Chúng ta không thể phủ nhận vai trò của những “chương trình lớn” mà Bộ giáo dục cần phải triển khai, nhưng xã hội có lẽ cần được thoải mái hơn trong hành động, và cũng cần có trách nhiệm bớt ỷ lại vào những chương trình như vậy để xắn tay vào làm cái công việc mà mỗi người đều phải có trách nhiệm. Như tinh thần mà nhóm Cánh Buồm chủ trương “mình không làm thì ai làm”.
Dương Trọng Tấn.
Bài đăng Tia Sáng, số 6-3-2016.