Con gái nhớn dạo này đang cùng lúc học hai chương trình ngoại ngữ có sử dụng công nghệ giáo dục: chương trình Time2Know của người Do Thái (học kiểu blended tại trung tâm: tự học với máy tính, vừa học với giáo viên), và Duolingo miễn phí trên iPad. Chúng cùng có một đặc điểm chung: học thông qua việc làm các bài test, vượt qua các bài test là cách để lĩnh hội kiến thức và phát triển kĩ năng. Các bài tập được thiết kế dưới dạng câu hỏi các kiểu (multiple choice, true/false, điền từ vào chỗ trống, lặp lại phát âm, dịch …), có trợ giúp (từ điển, gợi ý). Các câu hỏi/bài tập không nhằm kiểm tra, mà nhằm giúp người học tự học thật hiệu quả.
Toàn bộ quá trình học tập dựa trên các hoạt động “làm bài tập” kiểu “thi” này. Tôi gọi đó là Test-Driven Learning, nhại một chiến thuật rất phổ biến trong phát triển phần mềm: Test-Driven Development. Theo phương pháp TDD này, các lập trình viên phải hình dung trước các kết quả, sau đó thiết kế các tình huống để kiểm thử (test case) cho mỗi tính năng của phần mềm, khi việc hiện thực hóa các chức năng vượt qua được các tình huống này, việc lập trình coi như xong. Chiến thuật này không những giúp chất lượng phần mềm tăng cao, mà còn dễ dàng được tự động hóa công tác kiểm tra chất lượng thông qua tự-kiểm tra, với sự trợ giúp của các công cụ kiểm thử tự động hóa.
Hai chiến thuật TDL và TDD có sự giống nhau đến kì lạ: chúng đều hướng tới việc tự làm (tự học vs. tự kiểm thử), đạt được kết quả (kiến thức vs. chức năng) thông qua một quá trình lặp đi lặp lại các công việc để vượt qua các bài kiểm tra (test case) đã được thiết kế trước.
Tôi đã thấy TDL được dùng rộng rãi trong việc học ngoại ngữ, học toán sơ cấp (trên Khan Academy), liệu có thể mở rộng chiến thuật này cho các môn học khác, ở các cấp độ khác không?