6. Blended-learning: Hiện đại hại điện

Cuối năm 2007 mình trốn vợ vào Sài Gòn chơi dài ngày, lại xông vào trung tâm ở Số 2 Nam Quốc Cang dạy học. Các thầy cô trong này bắt đầu than trời về Blended-Learning, không biết dạy kiểu gì cho phải. Thử đi thử lại làm tới làm lui vẫn không có cách nào dạy được theo thiết kế mới của Ấn Độ. Cãi nhau như mổ bò trong cuộc họp, trên mail đàn và cả … ở nhà bác BìnhNV.

Thời điểm triển khai ACCP i7 là một bước ngoặt của cả hệ thống. Bước ngoặt về đầu vào, về chương trình, về sự mở rộng đột ngột của hệ thống đào tạo FPT. Sự phát triển quá nhanh khiến rất nhiều người không kịp hiểu chuyện gì đang xảy ra chứ đừng nói tới việc thích nghi với nó.

Blended-Learning, cho tới giờ vẫn là một chủ đề nóng trong cải cách giáo dục trên thế giới. Ấn Độ đã mạnh dạn chuyển đổi phương pháp luận đào tạo sang blended-learning với những ưu điểm khá rõ rệt về tính thiết kế, được giải thưởng sư phạm của Ấn Độ ngay từ những năm 2006-2007 ấy.  Nhưng đó là truyện xảy ra ở Mumbai.

Ở Hà Nội và Sài Gòn thì hoàn toàn khác. Hầu như đội ngũ giảng viên không được trang bị đủ về sư phạm và chuyên môn để chuyển đổi sang một lối dạy hoàn toàn khác, ở đó sinh viên chịu trách nhiệm chính cho quá trình học tập của mình có sự trợ giúp của chiếc CD và các bài giảng tích hợp trong đó; còn giảng viên chỉ như những người dẫn đường chỉ lối cho quá trình tự học có sự trợ giúp của máy tính. Mặt khác, sinh viên cũng chưa được chuẩn bị tốt về tinh thần tự học, tự chủ, các kĩ năng tự học cần thiết, cũng như năng lực tiếng Anh đủ dùng để đọc, nghe và tương tác tốt với phần mềm tự học. Kết quả là cả thầy và trò đều loay hoay tìm cách trở về với lối cũ. Thầy lại cầm tay chỉ việc, chiếc CD trở thành một cái tài liệu tham khảo phụ thay vì là học liệu chính trong quá trình học tập. Mình từng chứng kiến nhiều học trò không hề dùng chiếc CD và textbook trong suốt cả kì; cái họ dùng chỉ là những lecture notes bằng Powerpoint, Google search và Google Translate. Kết quả của vài lứa sinh viên, có thể dự đoán được.

Phải đến đầu 2009, vấn đề đọc hiểu thiết kế của học liệu từ Ấn Độ mới được đặt ra. Khi đó các lí thuyết về thiết kế bài giảng của Bloom, Gagne, Kirkpatrick … mới được đem ra mổ xẻ và học tập. Suốt trong khoảng thời gian 2007-2009 ấy là khoảng thời gian giảng viên phải làm việc trong trạng thái “đầu Ngô mình Sở” về phương pháp luận. Dù sau đó mọi chuyện có ít ồn ào hơn ở các trung tâm tại Hà Nội, blended-learning vẫn là một ước vọng hơn là thực tiễn. Thủ phạm của mọi bước tiến không ai khác là kẻ phá bĩnh có tên Ngoại ngữ. Học liệu hoàn bằng tiếng Tây [thiên], cả văn bản, âm thanh và video, nhưng sinh viên gần như không thể tiếp cận thoải mái được với nguồn tri thức quý giá ấy. Có thể phải mất một thời gian dài nữa sinh viên CNTT ở Việt Nam mới vượt qua được trở lực này để “bình đẳng về cơ hội học tập” với các bạn bè trên thế giới.

blended

Những gì là “highlights” của blended-learning được hứa hẹn như những quả bom giúp giải phóng năng lực cá nhân thì hóa ra .. toàn là bom xit.

Written by Tấn Dương