Các hình thức kiểm tra – đánh giá trong giáo dục có thể chia làm hai loại: formative và summative. Trong đó formative assessment được dùng liên tục trong suốt quá trình giáo dục để cung cấp các phản hồi (feedback) về mức độ học tập của sinh viên, cũng như là để sửa chữa các hiểu lầm, các lệch lạc, hoặc để tái định hướng, tùy biến để cá nhân hóa quá trình giáo dục nhằm đạt kết quả cao nhất. Còn summative assessment được dùng chủ yếu cuối môn, để đo thành quả học tập.

Hiện nay phần nhiều nhà trường chỉ tập trung vào đánh giá loại summative assessment . Coi bài thi thuần túy là công cụ đánh giá, không phải là công cụ thúc đẩy việc học. Cách làm này chủ yếu dẫn đến tình trạng “học để mà thi”: gần kì thi mới học, chỉ học những gì có trong đề thi, học để lấy điểm cao (học gạo), học dồn-quên nhanh. Rõ là tiêu cực.

Các nhà giáo ưu tú sử dụng công cụ kiểm tra như là công cụ hỗ trợ thúc đẩy tiến trình học tập và giảng dạy. Các bài kiểm tra formative được thiết kế tốt, sử dụng phù hợp sẽ tác động rất tích cực đến sự tiến bộ của sinh viên. Thông qua các bài kiểm tra này, giáo viên có thể cho sinh viên thấy mình đã có thể làm được những gì, còn phải làm những gì nữa để đạt mục tiêu cao hơn trong học tập. Theo cách này, học trò “thi để mà học”, sẽ không cảm thấy nặng nề vì phải đối phó với môn học, không phải đối phó với các bài kiểm tra mà coi đó là công cụ trợ giúp mình làm chủ quá trình học tập của chính mình, cải thiện khả năng tự học của bản thân.

PS. Việc này có phần giống như vai trò của kiểm thử (testing) trong sản xuất phần mềm: testing có thể được sử dụng như là công cụ đo lường và đảm bảo chất lượng, nhưng nó cũng có thể là công cụ điều khiển và thúc đẩy quá trình phát triển (như trong các mô hình phát triển TDD\ATDD, BDD). Nhờ đó, không chỉ chất lượng phát triển được nâng cao, mà còn giảm thiểu các rủi ro trong quá trình phát triển do lệch hướng, do thiếu kĩ năng từ nhiều phía trong đội phát triển phần mềm.