Phần nhiều các lớp học ở nước ta hiện nay vẫn diễn ra theo trình tự thế này: cô giáo bước vào phòng, hỏi han lại bài cũ, sau đó bắt đầu giảng bài, đi từ chủ điểm nọ đến chủ điểm kia; nói đến khái niệm nào cô giáo cố gắng lấy ví dụ cho học trò dễ hiểu; thỉnh thoảng cô dừng lại hỏi han đôi chút xem học trò có hiểu không; rồi lại giảng hết cho xong bài. Phần được gọi là “lý thuyết” như thế chiếm phần lớn thời lượng học tập trên trường của học trò. Cách học này được mô tả là không-khác-gì-thế-kỉ-19.

Một lớp học đầu thế kỉ trước

Đầu thế kỉ 20, kể từ khi nhà cải cách giáo dục John Dewey “xúi” nước Mỹ tiến theo giáo dục cấp tiến (Progessive Education), người ta bắt đầu để ý chuyển dịch việc dạy sang nhiều kiểu khác. Bài học có thể bắt đầu từ vấn đề cần giải quyết, cô giáo hướng dẫn cho học trò sử dụng các khung kiến thức nhất định, xúm vào giải quyết vấn đề đó, qua đó tự lĩnh hội được các kiến thức và kĩ năng cần thiết. Lớp học có thể không bắt đầu bằng một bài học trong lớp học, mà ở trong phòng thí nghiệm, xưởng chế tạo, hoặc ngoài đồng. Giáo viên bắt đầu giờ học bằng việc giao một dự án (project) cho học trò bắt tay vào hoàn thành nó trong khuôn khổ thời gian và điều kiện cho phép. Những hướng đi mới (thực ra là cũ mèm, tính từ lần đầu chúng được nhắc tên) problem-based learning hay project-based learning (viết tắt: PBL) ấy hiện nay vẫn còn khá xa lạ với phần nhiều các lớp học ở Việt Nam.

Rồi khi Jean Piaget cùng những nhà tâm lí học giáo dục, nhà cải cách giáo dục khác như Lev Vygotsky, Jerome Bruner hay Maria Montessori tìm ra được cơ chế phát triển nhận thức, đề xướng và khuyến khích các phương pháp học tập kiến tạo (constructivism), người ta tiếp tục củng cố và phát triển thêm nhiều phương pháp có cái vẻ hao hao như các PBL kể trên. Chúng ta có thể bắt đầu không còn thấy những lớp im phăng phắc nghe cô giáo giảng bài nữa, thay vào đó là những lớp học với các nhóm thảo luận, các học trò đang chơi đóng vai, hoặc đang cãi nhau chí chóe. Những hoạt động học tập theo hướng hoạt động này giờ không còn là điều xa xỉ trong lớp học, nhiều giáo viên đã thực sự thay đổi bản chất việc học ở nhà trường. Người học đã có thể chủ động hơn trong việc xây dựng tri thức phù hợp với mình, theo cách của mình. Chính tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc UNESCO[1] cũng đã thừa nhận tầm quan trọng to lớn của các phương pháp học tập kiến tạo, học tập qua trải nghiệm, học tập qua tình huống, học tập qua khám phá – những phương pháp học tập tích cực – trong việc mang lại quá trình giáo dục có chất lượng hơn cho thế kỉ 21.

Ở ngay nước ta thôi, nhà giáo Phạm Toàn, thủ lĩnh của nhóm cải cách giáo dục Cánh Buồm cũng đã nhiều lần khẳng định cần phải thôi ngay ảo tưởng “nuốt lời mà thành người”. Dựa trên những thành tựu của khoa học giáo dục và tâm lí học, ông chủ trương một cách học mới cho trẻ con bằng một câu thật giản dị: làm mà học, làm thì học. Học phải thông qua việc làm. Nhiệm vụ của thầy cô giáo chuyển từ vai trò giảng giải và nhồi nhét thông tin sang tổ chức việc tự học cho học sinh qua một chuỗi các việc làm được thiết kế cho mục đích giáo dục. Thông qua việc tự làm lấy công việc học tập, học sinh được trải nghiệm, được tham gia, được tự mình làm ra kiến thức. Đấy là một cách học có vẻ tự nhiên như ngàn đời, nói ra ai cũng gật đầu khen phải, nhưng lại rất khác biệt so với cách chúng ta đang vận hành giáo dục trong nhà trường hiện nay.

Một giờ học chủ động: Làm việc nhóm

Các nhà giáo dục như Dewey, Montessori, Phạm Toàn có thể sống trong các thời đại khác nhau, xã hội khác nhau, nhưng lại rất giống nhau trong việc dứt khoát từ chối lối dạy nhồi nhét thông tin, học tập nặng về ghi nhớ. Đối với họ, học phải qua việc làm, learning-by-doing. Khi tiếp cận đường lối của nhóm Cánh Buồm, bà Bùi Trân Phượng – Hiệu trưởng Đại học Hoa Sen – từng nhận xét: “Đây chỉ là cách giáo dục bình thường của các nước trên thế giới. Chỉ vì ta không bình thường, cho nên mới như hiện nay. Do vậy, chúng ta phấn khích vì sự trở lại bình thường mà nhóm Cánh Buồm đã mang về”. Hóa ra bấy lâu nay chúng ta rất khác thường.

Những tư liệu, bài học thành công về các hình thức dạy học kiểu mới mà UNESCO khuyến khích này có thể tìm thấy dễ dàng trên Internet. Mọi nhà giáo đều dễ dàng có thể có được thông tin để thay đổi không khí lớp học của mình. Những thay đổi nhỏ từ dưới lên kiểu này có thể mang lại giá trị to lớn hơn nhiều so với những hô hào rùm beng, hay những dự án cải cách trị giá nghìn tỉ. Khi nói điều này với nhiều giáo viên, tôi thấy họ gật gù khen hay và rất thích thú, thậm chí còn được nghe họ nói là đã thử cái nọ cái kia. Nhưng trong thực tế, phần nhiều lại đang làm theo lối cũ, và chấp nhận một kết quả mà chính họ cũng thừa nhận là “không thể hài lòng được”. Họ viện dẫn các quy định khắt khe về quy trình, về tiêu chuẩn, hay hàng tá các giới hạn khác để cuối cùng phải chấp nhận tình cảnh “vũ như cẫn”. Có điều gì đó không ổn ở đây chăng?

 Dương Trọng Tấn.

[1] Theo: http://www.unesco.org/new/en/education/themes/strengthening-education-systems/quality-framework/technical-notes/influential-theories-of-learning/

Written by Tấn Dương