Dạo trước, tôi đen đủi phải chứng kiến cảnh ông sếp một dự án quan trọng nổi trận lôi đình mắng té tát một anh lính, cũng là một anh rất có thâm niên và nhiều thành tích chứ không phải hạng xoàng. Sự tình là do anh này không thèm báo cáo về sự chậm trễ không đạt tiến độ của một việc quan trọng liên quan tới đối tác bên ngoài. Sự chậm trễ này kéo lùi thời gian triển  khai dự án lên vài tháng.

Thực ra việc ấy là việc khó đoán là khi nào thì xong. Ban đầu nó được ước tính khoảng 3 tháng xong, nay đã hết 3 tháng thế mà vẫn chưa xong. Tuy vậy, lỗi lớn của anh lính là không báo lại sự khó khăn ấy từ trước, ví dụ – trước deadline khoảng 1 tháng. Vì thiếu thông tin nên ông sếp thường lo lắng. Vì không được báo cáo gì nên cứ ngỡ nó suôn sẻ. Hết deadline mới biết là nó hỏng mất rồi, thì ông vừa tức anh lính lại vừa buồn phiền vì hỏng mất việc. Cái việc báo cáo kịp thời là một trong những kĩ năng đơn giản nhất mà ông sếp không nghĩ là một người thâm niên kì cựu như vậy lại không làm được. Ông thất vọng và không kiềm chế được nên buông lời gay gắt.
Nhẽ ra báo trước cái tình hình thì ông sếp có thể can thiệp để trợ giúp, nhưng việc ấy đã không xảy ra. Sau vụ này, anh lính bị cho thôi việc.
Tin xấu báo trước, kịp thời và trung thực. Đó là một trong những quy tắc cực kì căn bản của người làm việc. Cái kĩ năng này có thể cứu được cả một dự án. Thật đấy!
Trong công việc, người nhân viên cần phải báo cáo với sếp và các bên liên quan thật kịp thời, thường xuyên và trung thực tình hình. Việc đó cung cấp thông tin để xử lí.  Và đặc biệt, trong mỗi báo cáo thì tin xấu cần được báo cáo trước. “Sếp ơi, có vấn đề rồi”. Đó là một câu thông báo cực kì quan trọng.
Tất nhiên, nói “tin xấu báo trước” không có nghĩa là công việc cứ chạy ro ro thì khỏi cần báo cáo. Một người chuyên nghiệp sẽ không lẳng lặng như vậy. Tình trạng thông tin tù mù thì dù bạn có tin tốt hay không cũng khiến sếp bạn lo lắng, trong một số trường hợp thì lòng tin giảm sút và uy tín bị uy hiếp.
Cái kĩ năng báo cáo nghe thì rất đơn giản  này nhưng kì thực là có sức mạnh rất to lớn. Nó có thể cứu được cả một dự án. “Giao tiếp có thể giải quyết được mọi việc”. Tôi tin là câu này hơi bị đúng.