Tôi vừa hoàn tất việc làm thủ tục rút hồ sơ của con gái khỏi một trường tiểu học tốt nhất nhì Nam Từ Liêm để chuyển sang một trường quen biết ở Cầu Giấy, hòng điều chỉnh lại nhịp học và kĩ năng đọc viết của con gái. Sau hai năm Covid, từ một cô gái có tiềm năng nhất nhì trường mầm non Sakura Montessori, bạn liên tục phải đối mặt với tình trạng chán học môn tiếng Việt, đọc chậm và ngại đọc. Bố mẹ mất rất nhiều công sức ở nhà, mà sự cải thiện không đủ tốt.
Bước ra khỏi phòng giáo vụ, tôi nhìn quanh trường một lượt. Mọi thứ ngăn nắp chỉn chu, gọn gàng sạch sẽ. Cây cối tươi tốt, các bảng biểu khẩu hiệu được chăm chút kĩ lưỡng. Suốt hai năm qua đã gắn bó với chỗ này, nay phải xa, hóa ra cũng bịn rịn lắm.
Chầm chậm đạp xe qua hàng cây che cái nắng oi bức mùa hè, trong lòng tôi cuộn trào lên xúc cảm và tâm tư. Ôi, ta vừa rời bỏ một ngôi trường tuyệt vời. Mình và đồng đội cũng đang cố gắng gây dựng lấy một trường tiểu học nên rất hiểu rằng phải rất lâu nữa mới có thể kiến tạo được một ngôi trường tốt đến như thế này. Nó lại gần nhà nữa. Mỗi lần sang đón và cùng con gái đi bộ qua “cánh rừng nhỏ” của hai bố con để về nhà thấy bao nhiêu là thân thương và tình cảm. Được đi cùng với con từng ngày như thế thật quá đối ý nghĩa.
Tốt thế, tiện thế mà vẫn phải chuyển!
Tốt thế mà vẫn không ở lại được!
Tốt thế mà cũng không đủ tốt với con mình.
Sai chỗ nào?
Nguyên nhân gốc rễ không nằm ở trường, mà nằm ở cái chương trình dạy tiếng Việt chính quy hiện nay. Nó đã không ổn thì nỗ lực vá víu thế nào rồi cũng có lúc lòi ra chỗ không ổn. Các nhà chuyên môn đã nói nhiều mấy chục năm nay rồi. Cánh Buồm đã xung phong làm mẫu để chọn một cách đi khác hiệu quả hơn hẳn, ổn định hơn hẳn, bất chấp covid; mà thực tế ở các trường dạy theo cách của Cánh Buồm cũng chỉ ra rồi. Nó là hướng đi đã có minh chứng chứ không còn là “định hướng”, triết lí suông. Nếu không có covid, với tài năng xoay sở của các cô giáo giàu tâm huyết, nhiều kinh nghiệm và sự sát sao của bố mẹ thì con cái vẫn có thể vượt qua được những năm tiểu học một cách tốt đẹp (dù có thể đôi chỗ vẫn hơi vất vả). Nhưng tất cả là bằng nỗ lực, sức người, chứ không phải bằng khoa học, bằng phương pháp và lối tổ chức hiện đại; cho nên kết quả không ổn định mà lại rất tốn sức. Trong bối cảnh Covid, học sinh học 8 tháng online, 2 tháng chạy nước rút để hoàn thành hồ sơ năm học, mà lại không hề có đổi mới phương pháp dạy cho thích ứng với điều kiện học từ xa, thì kinh nghiệm và tất cả các kĩ thuật sư phạm của các cô đều mất thiêng cả.
Người ta đang cãi nhau về sách giáo khoa, về việc bắt tất cả các bạn thuộc giai đoạn chuẩn bị cho nghề nghiệp phải học lịch sử theo cách nhồi nhét và rất nhiều chuyện vặt vãnh khác. Người ta không để ý đến một con voi ở giữa phòng mang tên giáo dục tiểu học, ở chính cái môn nòng cốt nhất là Tiếng Việt. Khoác lên cái áo “dạy học dựa vào năng lực”, cái ruột vẫn là cách dạy cũ của mấy chục năm trước; không thể làm cho trẻ con học vui, học dễ, học giỏi mà không mất sức hơn được.
Văng vẳng bên tai tôi là tuyên ngôn của Cánh Buồm “Giáo dục tiểu học ổn định và đảm bảo chất lượng thì toàn bộ nền giáo dục mới ổn định, từng gia đình ổn định, cả xã hội ổn định“. Có bao nhiêu gia đình mất ổn định vì giáo dục ở nhà trường không đảm bảo chất lượng? Nhớ đếm nhà tôi nhé!
Tôi theo thầy Phạm Toàn góp sức vào nhóm Cánh Buồm hơn mười năm nay, nhưng nhìn lại ngần ấy năm thấy giáo dục ta nó vẫn cơ bản là như cũ, chứ chẳng hề có “đổi mới căn bản và triệt để” nào như các “định hướng” chung chung của hệ thống lãnh đạo giáo dục nước nhà. Những thanh niên vô tư lự dưới 30 tuổi của Cánh Buồm năm ấy nay đã trung niên cả rồi, một số đầu đã hai thứ tóc. Sự bền bỉ đã vơi đi ít nhiều, còn tình hình giáo dục không khéo lại còn tệ đi.
Lại nhớ câu của giáo sư Ngô Bảo Châu gửi gắm bạn yêu Cánh Buồm “Bạn đã lỡ hẹn gì với Cánh Buồm?”.