1. Hành động đọc, thực hành đọc, thói quen đọc – tự thân nó có một bản chất quan trọng hay bị bỏ qua: nó mang đặc tính ‘người’. Hai cách nhìn: (1) Đọc để có kiến thức, tức là cho việc đọc chỉ là phương tiện để có được hiểu biết (từ có hiểu biết mà có cơ hội thành công, kiếm tiền, học vấn… các thứ – như một tầng mục đích xa hơn hay được đem đi để đặt cơ sở cho việc khuyến khích đọc); (2) Đọc như là một hoạt-động-người, nó không chỉ nhằm mục đích kiếm lấy tí kiến thức mà còn là một hoạt động có tính văn hóa, có tính người. Cách nhìn thứ nhất dễ bị lung lay trước thời đại thông tin luôn sẵn sàng trong lòng bàn tay với tốc độ của một lần bấm nút. Cách nhìn thứ hai khó nhìn ra hơn, ít được nhắc tới hơn, nhưng nó chỉ ra một lí do tốt để con người vẫn nên tham gia vào việc đọc trong suốt cuộc đời dù có ở thời đại nào, trong tay có phương tiện gì. Tuy không phải là riêng có đặc tuyển, nhưng còn đọc là còn văn hóa, còn tính người.

2. Phải nói thừa ra là “tự đọc”, vì hiện nay có hiện tượng đọc hộ tràn lan. Bạn đọc phiên bản tóm tắt một tác phẩm; nhờ trí tuệ nhân tạo tóm tắt hộ, nhờ thầy giáo tóm hộ. Bạn tiếp thu. Bạn tưởng là đọc, nhưng không hề đọc mà đang nhờ người khác làm giúp. Bạn biết thêm được tí kiến thức, bạn vui vẻ, tiết kiệm thời gian, nhưng bạn đã bỏ đi cơ hội tự mình làm lấy (công việc của con người), tự mình làm ra chính mình (một con người), tự mình ‘là’. Sách càng dày càng khó, thì bạn sẽ càng có mong muốn tiết kiệm thời gian và công sức để mà nhờ ai đó làm giúp. Bạn thực sự đã ‘tinh gọn’ hoạt động đọc của mình.

3. Đọc kết luận, đọc tóm tắt mà không tự đọc kĩ toàn văn không khác nào nhận bài của cô giáo rồi xem tờ đáp án trôi nổi trên mạng. Nếu không tự đọc, không tự mình kiểm tra lấy kiến thức đúng/sai, hữu ích/vô ích, thích thú/tẻ nhạt từ việc đọc mà lại cứ nghe thầy (một giáo sư giảng bài, hoặc một chuyên gia tóm tắt hộ, một AI toàn năng) ‘cung cấp chân lí’ thì không khác nào tắt đi chức năng não của chính mình.  Kĩ năng đi lên trong quá trình tập giải bài toán, chứ không phải ở chỗ chép đáp án ra và được bao nhiêu điểm. Hiện nay sách vở, thông tin, AI sẵn đấy, thì nguồn cung ‘chân lí’ trông có vẻ dư thừa lắm, mọi thứ trở nên rẻ lắm. Nhưng bạn không dễ đạt đến sự nhận thức dễ dàng thế đâu. Việc bỏ ra hàng giờ hằng tuần hằng tháng tự đọc cho thật sâu một tác phẩm hay và khó vì thế dễ trở nên xa xỉ hơn. Đó đích thị là một nguy cơ của thời đại.

4. Chỉ khi nào nhận thức được rằng ta phải tự mình đi lại con đường người trước đã đi, để nâng cao những gì gọi là phẩm chất người (tư duy, cảm nhận, hình dung,tưởng tượng, nhận thức, yêu ghét, tin tưởng, háo hức…) thì ta không thấy việc đọc các tác phẩm cách đây 100 năm, 1000 năm luôn có giá trị lớn. Cái kết luận ta đã biết rồi. Nhưng cái đi đến kết luận thì như thế nào? Ta nhúng mình vào bối cảnh xã hội lúc ấy thế nào? Ta đặt mình vào vai tác giả thì thế nào? Ta đặt mình vào anh bạn đối diện đang tranh luận với tác giả thì thế nào? Ta sẽ lịch sự ghi nhận tác giả,trong khi chỉ ra những điểm người bạn của mình chưa thuyết phục hoặc hoàn toàn sai lầm như thế nào để anh bạn không bực mình mà bỏ ta? Ta lôi tác giả dịch đi 100 năm sau, 1000 năm sau (tức là về thời điểm ta đang đứng bây giờ, ở đây) để xem ý niệm của tác giả hoạt động thế nào? Bằng cách đó, ta trải nghiệm; và bằng độ sâu trải nghiệm ta làm dày thêm chính mình. Ta không chỉ hiểu kĩ hơn tác giả, ta còn lấy thêm được gì đó từ tác giả cho mình đem dùng vào việc hôm nay. Nhưng trải nghiệm là do mình tự làm lấy, chứ không phải người khác làm hộ.

5. Do tầm quan trọng của trải nghiệm, kết nối mà những lần ĐỌC LẠI sẽ quan trọng.
Như việc bạn tập một bản nhạc trên đàn ghi-ta, phải vài chục lần mới thành thục hết cỡ; đọc một tác phẩm kinh điển cũng phải đọc đi đọc lại mới (mong) hết nhẽ.
Lần đọc thứ nhất, có thể bạn chỉ có được ấn tượng, sự hứng khởi và ý niệm và vài từ khóa. Bạn ghi nhận tác giả. Bạn có chuyển hóa mối quan hệ với tác giả.
Lần đọc thứ hai, với đầu óc phê phán, bạn có được thêm sự gạn lọc. Bạn đã tham gia được vào cuộc trò chuyện với tác giả. Những thứ sai lầm hoặc nghi vấn được đặt sang một bên, bên kia là những chân lí. Có những điều bạn chưa biết, nay đã biết kĩ hơn, có những thứ bạn “tưởng là” nay đã rõ ra không phải như thế. Năng lực trí óc của bạn đã tiến thêm một bước.
Lần đọc thứ ba, với đầu óc liên tưởng và phản tư, bạn có thêm khả năng tìm ra ý nghĩa của các ý tưởng trong đời sống hiện nay và mai sau của chính bạn. Bạn bắt đầu chuyển hóa đời sống tinh thần và vật chất của chính mình.
Lần đọc thứ tư, thứ năm, thứ n, bạn xếp chồng và đặt các ý niệm của tác giả bên cạnh những ý niệm khác để kết nối thành một mạng lưới, một tòa tháp, một cái cây — tùy cách bạn hình dung; để kiến tạo ra hệ thống của chính mình. Mỗi lần đọc lại là một lần kết nối. X điểm như cũ, nhưng khi có thêm một kết nối mới thành n+1 kết nối thì hệ thống đã khác đi. Cũng có khi bạn đục bỏ một điểm đi vì nó đã bị nhận ra là có sai sót. Bạn bỏ đi các kết nối dư thừa hoặc sai sót, bỏ đi những niềm tin đã được xác nhận là sai lầm, cũng giúp chuyển đổi hệ thống của riêng mình. Như thế, qua mỗi lần đọc, bạn học, bạn cập nhật, và học lại, bạn thực hiện chu trình learn-unlearn-relearn. Đó là chưa kể, qua mỗi lần làm việc đó, bạn sẽ còn thay đổi tâm tư tình cảm không chỉ với kiến thức, mà còn với các tác giả, với thế giới của họ, thế giới của chính mình; chưa kể đến việc bạn đã mang tri thức từ sách vở ra tới đời sống để làm giàu thêm trải nghiệm sống, và cải thiện điều kiện sống của chính bạn.
Cho nên, đọc sâu đọc kĩ đọc lại cũng là một cách học tập trải nghiệm, trong tâm trí ta là chủ yếu chứ không phải ở chân tay. Sách lúc ấy không chỉ có chức năng thông tin, nó là phương tiện cho quá trình trải nghiệm và trở thành. Đọc như thế thì sẽ có chuyển hóa, là một biện pháp để tự làm ra chính mình. Tự đọc, tự nghĩ, tự làm.