Bạn tôi từng phát biểu một phương châm hết sức giản dị về làm giáo dục – đào tạo: “đất nước này chỉ cần làm giáo dục tử tế thôi đã ngon lắm rồi, khỏi phải đặt mục tiêu số nọ số kia đỉnh nọ đỉnh kia làm gì cho mệt”. Khi ấy tôi còn chưa hiểu ý chữ “tử tế” ông bạn nói có nghĩa gì.
Cuối tuần rồi có đọc được cuốn “Sức mạnh của sự tử tế” do nhà Tri thức kết hợp Nhã nam dịch và ấn hành thì lại thấy những dẫn chứng hùng hồn về tác dụng “thực dụng” (nói theo cách khác là “xôi thịt”) về sự tử tế, kiểu như: tử tế với nhau thì sẽ thăng tiến tốt và bền hơn, tử tế với khách hàng thì sẽ kiếm nhiều tiền hơn, tử tế cả với người lạ thì sẽ gặp may nhiều hơn, … với đầy đủ các lí lẽ dẫn từ những tên tuổi lớn như Malcom Gladwell hay Daniel Goldman. Tuy thế cũng có những đoạn các tác giả viết thật “đời” như thế này:
“Chúng tôi không nói tốt bụng là cách duy nhất để tiến lên. Ai cũng có thể đưa ra những dẫn chứng, rằng có những kẻ ngu xuẩn, tàn bạo mà vẫn giành được công việc tốt, sự công nhận và gái đẹp, nhưng hãy cùng nhìn nhận rằng, tốt bụng và tôn trọng nhau cũng là một cách hợp lý không kém, và hũu hiệu hơn nhiều, so với cách cư xử ích kỷ hoạc hại người. Nó không chỉ đưa bạn đi xa hơn trong sự nghiệp và trong cuộc sống, mà còn làm cho bạn cảm thấy hạnh phúc hơn”.
Mình chợt nhớ lại cách tư duy về các loại tư duy (hay “đầu óc” – mind) của nhà tâm lí học đại tài đương đại Howard Gardner: hai trong số năm loại tư duy cơ bản “cho tương lai” – gồm tư duy chuyên ngành (disciplined mind), tổng hợp (synthesizing mind), kiến tạo (creating mind), tôn trọng (respectful mind) và đạo đức (ethical mind) -là hết sức cơ bản đối với các nhà lãnh đạo cho một thế giới tốt đẹp tương lai: một tư duy để thực sự tôn trọng người khác, tôn trọng các nhóm người khác, các dân tộc và quốc gia khác để giữ một thế giới có thể sống chung trong hòa bình và phát triển; một tư duy để xây dựng và duy trì các bộ nguyên lí và giá trị sống căn bản cho cá nhân, cộng đồng để tự đáng giá về cái tốt. Một lãnh đạo tốt thực sự cho cộng đồng hay quốc gia thì cần phải có ethical mind và respectful mind.
Gần đây Ikujiro Nonaka và Hirotaka Takeuchi cũng đề xuất một ý tưởng lớn (big-idea) trên Havard Business Review có tên gọi “wise leader“: một lãnh đạo thông thái không chỉ hiểu biết và thực dụng mà còn có khả năng phán đoán (judge) cái đúng cái sai, cái tốt cái xấu trong từng bối cảnh đặc thù; đó là người luôn “hướng thiện” trong xu hướng lãnh đạo của mình.
Vậy hóa ra “tử tế” không phải là một lời răn đạo đức. Đó còn là một “tín điều” thực dụng.
Cứ “tử tế” đi, không thiệt đâu.