Nước Nhật của thế kỉ 19 là một nước phong kiến lạc hậu, bị coi thường tại châu Á, họ được gọi với cái tên “giặc lùn”(Nụy khấu) , “người lùn”(Nụy nhân), “nước lùn”(Nụy quốc) không chỉ vì hình dáng thấp bé của người Nhật mà còn vì vị thế yếu kém của Nhật Bản. Trước tình cảnh đó, những trí thức Tây học tiến bộ của Nhật Bản đã đề xướng phong trào “thoát Á”, duy tân dưới thời Minh Trị để canh tân đất nước. Người được coi như ngọn đuốc sáng nhất dẫn đường trong phong trào ấy không ai khác là người xuất hiện trên đồng tiền có mệnh giá lớn nhất của Nhật Bản, tờ một vạn Yên, người được coi là Voltaire của Nhật Bản, người có tên Fukuzawa Yukichi. Cùng với nhiều trước tác khác của Yukichi, “Khuyến học” chính là ngọn đuốc sáng của phong trào duy tân nước nhật cuối thể kỉ XIX biến một nước Nhật lạc hậu, nghèo nàn thành một trong các cường quốc của châu Á và thế giới.
Đầu thế kỉ trước, Phan Bội Châu cùng với các trí sỹ yêu nước được tiếp xúc và có ấn tượng sâu sắc bởi phong trào duy tân của Nhật cùng với các tác phẩm quan trọng của phong trào đó trong đó có “Khuyến học”. Ông đã đề xuất phong trào Duy tân tại Việt Nam để nhằm văn minh hóa đất nước, dần dần thay đổi xã hội Việt nam tiến tới giải phóng đất nước thoát khỏi ách đô hộ của thực dân Pháp. Tuy lịch sử đã không cho phép phong trào ấy đi đến cái kết có hậu nhưng còn để lại nhiều trang chói lọi trong lịch sử Việt Nam đầu thế kỉ XX.
Đầu thế kỉ XXI, “Khuyến học” lại được dịch và xuất bản tại Việt Nam, hẳn không phải vì lý do đơn giản là in ra một tác phẩm kinh điển để tham khảo. Tuy các luận điểm trong “Khuyến học” có thể không làm kinh ngạc bạn đọc Việt Nam thế kỉ XXI như nó đã từng làm kinh động nước Nhật thế kỉ XIX, nhưng chúng không hề cũ kĩ. Hầu hết các vấn đề được đề cập trong sách còn giữ nguyên giá trị cho một đất nước đang phát triển như Việt Nam. Hãy xem Fukuzawa Yukichi trao đổi gì với bạn đọc:
“… Người ta thường nói: “Trời không tạo ra người đứng trên người và cũng không tạo ra người đứng dưới người”. Kể từ khi tạo hóa làm ra con người thì tất cả sinh ra đều bình đẳng, mọi người đều có tư cách, có địa vị như nhau, không phân biệt đẳng cấp trên dưới, giàu nghèo. […] Cuốn sách dạy tu thân “Thự ngữ giáo” có câu: “Kẻ vô học là người không có tri thức, kẻ vô tri thức là người ngu dốt”. Câu nói trên cũng có thể hiểu: Sự khác nhau giữa người thông minh và kẻ đần độn là ở chỗ có học hay vô học mà thôi. […] Như tôi đã đề cập: Ở con người vốn dĩ không có chênh lệch sang hèn, giàu nghèo. Vì thế, có thể nói rằng: Người chịu khó học, hiểu biết nhiều sẽ trở thành người quan trọng, sống sung túc; người vô học sẽ trở thành con người thấp kém, nghèo khổ…”
“Việc chúng ta đang phải trả những khoản tiền lớn để thuê người nước ngoài, để nhập khẩu hàng hóa cũng bởi vì trình độ học thuật của nước ta quá lạc hậu so với các quốc gia Tây phương. Mọi thứ của cải, mọi động ngoại tệ nước Nhật tích cóp được, lại cứ phải đem dâng cho nước ngoài hết … Chúng ta phải thấy xót xa, phải thấy đó là sự nhục nhã …”.
“Đa phần các trí thức đếu thiếu con mắt nhận biết thời cuộc. Họ yêu quý và lo giữ chỗ cho bản thân hơn là lo lắng, ưu tư cho đất nước. Đối với họ, gió chiếu nào che chiều ấy. Đa số các trí thức kiểu này luôn rình rập tìm kiếm lợi ích trước mắt, săn đón cơ hội leo vào hàng “quan chức”, sa vào các vụ quản lý vặt vãnh, tiêu phí thời gian bằng những việc vô bổ, xa rời công việc nghiên cứu, học thuật. […] Tôi buộc phải nói rằng những người trí thức như vậy là nỗi bất hạnh cho công cuộc văn minh đất nước.”
“Nếu như có kẻ gây phương hại đến nguyên tắc thì dù có phải biến cả thế giới thành kẻ thù chúng ta cũng quyết không sợ, huống hồ chúgn ta lại phải sợ một số quan chức chính phủ lộng quyền”
“Đáng buồn là nước ta chỉ có người Nhật mà không có quốc dân Nhật”.
Chỉ vài trích dẫn nhỏ thôi, ta đã có thể mường tượng được sức mạnh khai sáng của Yukichi được tập trung trong Khuyến học có sức lay động đến nhường nào đối với người đọc, nhất là khi đặt nó vào bối cảnh của nước Nhật thế kỉ XIX. Chẳng thế mà sách đã được đánh giá là tác phẩm có ảnh hướng nhất đến công chúng Nhật Bản. Lần in đầu tiên, cuốn sách được số lượng ấn bản kỷ lục: 3,4 triệu bản; liên tiếp sau đó, nó in và được tái bản liên tục hằng trăm lần. Chỉ riêng nhà xuất bản Iwanami Bunko đã tái bản bảy mươi sáu lần từ năm 1942. “Khuyến học” từng được dịch lần đầu từ đầu thế kỉ XX bởi giáo sư sử học Chương Thâu, năm 2008, NXB Tri thức xuất bản bản dịch “Khuyến học” của dịch giả Phạm Hữu Lợi. Cuốn sách mỏng nhưng tư tưởng của tác giả thật bao la và có sức lay động diệu kì. Hãy đọc để cảm nhận, đọc để hiểu thêm nước Nhật và con người Nhật bản, đọc để tự nhận thức và thành công. Xin cảm ơn Fukuzawa Yukichi.
(Hôm nay giới thiệu với anh Hiệp về Yukichi, chợt nhớ đến entry này nên pót lên đây, vì có thể có người sẽ thích. Bài này đã đăng trên Aptechite T11-2010)