Làng Libero22 vừa trải qua môn triết cực nặng cực thú mà vẫn thòm thèm.
Nhớ dạo năm ngoái, khi Libero21 hết môn triết, người học kháo nhau “không giống ngày xưa”. Xưa cũng học triết nhưng ai cũng xúi nhau cái môn cúng cụ ấy không học thì hơn, học được thì hâm; ai có cho qua xong quên nó đi; chỉ vài người tiếp tục âm thầm thích thú tìm sách triết ngoài nhà trường mà đọc. Xưa học Triết người ta chỉ được nói chuyện với ông Marx, ông Engels, và Nin không phải họ Lê; dù có thể vẫn nhắc tên dăm ba cái tên nữa. Thế đấy, một cái môn khai phóng hạng nhất có vài nghìn năm tuổi tích tụ tri thức và truyền thống mà bị người ta đối xử như một người hủi qua đường.
Trong chương trình Libero22 có một môn chính quy có tên là “Triết học và việc rèn trí nghĩ”, nhưng kì thực ra học viên học triết từ lúc khai giảng cho đến hết năm học.
Mở màn là triết lí về tư duy và sự học. Phan Đăng khai mạc bằng “Logic hay phi logic” đưa mọi người vào một câu chuyện khám phá tri thức theo con đường Thiền sau một chặng dài ngả theo phe logic Tây phương, rồi “học cách học” với việc tiếp cận cách đọc phản biện của nhà triết học giáo dục thế kỉ 20 Mortimer Adler, tìm hiểu triết lí giáo dục khai phóng, đặt lại câu hỏi “khai sáng là gì” để thảo luận với Kant, và Dewey. Tiếp nối là những câu hỏi về nguồn gốc của loài người và định nghĩa về tính người (thảo luận trên nền Sapiens của Harari). Bạn nào chăm học sẽ tự đặt lại câu hỏi “người là gì?”, nhất là khi đọc mấy bài ở sách Cánh Buồm lớp 9, xem xét thêm “hiện tượng con người” để tự thắc mắc thêm về mình và đồng loại.
Tiếp nối là nhận thức về căn tính dân tộc trong ta, là triết lí nhân sinh từ vốn văn hóa dân tộc ở môn “Đi tìm Việt nam (s) giữa thế giới”. Người học và người dẫn dắt cùng tiếp cận câu hỏi “ta là ai giữa thế giới này?” từ góc nhìn lịch sử và văn hóa.
Đấy là triết ngoài lề, triết “tích hợp”. Rồi đến học triết học “chính quy”, kiểu Tây phương với các thầy giáo ở đại học Edinburgh. Người học sử dụng khóa học trực tuyến trên Coursera để cùng nhau học tập với các giáo sư chưa một lần gặp mặt, cùng nắm bắt cái bản đồ nhỏ của thế giới triết học với các mảng miếng thuộc về tri thức luận, đạo đức học, triết học tâm trí, triết học khoa học, triết học ngôn ngữ, bản thể luận, và một chút siêu hình học. Hoạt động này được đính kèm sinh hoạt “Vui học triết” bên lề với chủ nhiệm vào buổi tối, chủ yếu là để “rã đông”, giữ một chút lửa thắc mắc để tiếp tục nhìn triết học với những cách tiếp cận khác nhau. Nhiều học viên đã thấy cách tiếp cận theo lối thực hành (học triết phải là học cách làm triết – doing philosophy), và thực dụng này là rất thú vị và mang lại trải nghiệm hữu ích chứ không phải căng não ghi nhớ ngồn ngộn dữ liệu đã tích tục từ hàng nghìn năm trước.
Ở một luồng khác, một giáo sư cao tuổi người Việt rất uyên thâm và đam mê với việc truyền bá triết học đã không ngại công sức để thử nghiệm dạy triết cho những người ngoài ngành, những người mà hầu như chưa từng đọc hết một tác phẩm triết nghiêm túc. Có thể mô tả trải nghiệm học tập đó như là một cách học triết triết kiểu ta, hơi mới một chút, có nỗ lực kéo sát xuống mặt đất hòng giúp người học “áp dụng” để giúp triết trở nên đời hơn và hữu dụng hơn. Mấy chủ đề hữu ích được đem ra “trưng bày”: hiện sinh, ngôn ngữ, liên văn hóa, bản thể luận, toán học. Có cái khó hiểu, có khái khiến người học òa lên sung sướng, nhưng cũng có cái khiến cho người học cay cú (“lớn đầu thế này mà không xử lí được vấn đề đơn giản thế kia”).
Thế là người học đã đi được một đường dài trên con đường học triết, nếu ai đó mải chuyện, thì đã kịp “bắt nhời” với một số lượng đáng kể các cụ: Bụt, Socrates, Lão Tử, Khổng Tử, Mặc Tử, Trang Tử, Descartes, Hume, Kant, Heidegger, Wittgenstein, Sartre, Freud, Dewey, Gettier, Putnam, Phạm Toàn…Ồ các cụ ấy đều quá cố cả, khó mà gặp được nếu không vào Libero. Nhưng ở đó còn có thêm những bằng xương bằng thịt để trao đổi nữa Nguyễn Vũ Hảo, Lê Huy Hoàng, Vũ Đức Liêm, Chu Hảo, Phan Đăng, Hoàng Phan Bảo Trung, Dương Trọng Tấn. Nói chuyện như thế hóa ra cũng nhiều đấy.
Ấy vậy mà vẫn còn chưa hết đâu. Sẽ còn một tí nữa tri thức luận, một tí nữa triết học chính trị và luật pháp… Và biết đâu lại có ai đó như năm ngoái đi vào nghiên cứu triết học khắc kỉ để tự giúp mình vượt qua khủng hoảng và đưa vào bài tập lớn tốt nghiệp cuối khóa.
Trải nghiệm triết học như thế này cũng phải gọi là hơi bị phong phú rồi. Dù đa dạng, nó vẫn có một vài cái nét chung: nỗ lực luyện cho được một trí óc có khả năng nhìn sự việc đa dạng, rèn được óc phản biện, cũng như rèn được một cách tự học đa chiều đa phương (từ nhiều nguồn, nhiều người, nhiều dạng, nhiều nội dung) để gây dựng một nền tảng tư duy để tự mình bước đi tiếp trên con đường khai phóng bản thân mãi về sau.
Anh em Libero22 cứ đòi nối dài “Vui học triết” thêm nữa. Ban chủ nhiệm sẽ tìm cách thực hiện để đáp ứng nguyện vọng. Mấy bạn cứ sốt ruột “khi nào chủ nhiệm mở lớp triết học quản trị để anh em theo học”. Hàng loạt câu hỏi vẫn tiếp tục được đặt ra. “Sao không dạy triết Đông thêm nữa?” “Dạy thêm tí Phật học đi chứ ạ?”, “Việt Nam mình có nền triết học không?”… Thế là có dấu hiệu thành công rồi đấy: người học biết nhiều hơn sau khóa học, và còn muốn biết thêm nhiều nữa.
Tôi vui. Libero đã phá bỏ lời nguyền học triết – môn học hạng nhất để có được tri thức đích thực cho đời người. Nó không khó. Nó không vô ích. Nó không chán.
Vui thật đấy.
#libero22 #liberoschool #vuihoctriet #giaoduckhaiphong