Ta thấy tình trạng tranh luận trong các phòng họp hiện nay đầy rẫy ý kiến, mà không có dữ liệu, thiếu vắng dữ kiện thực tế.

Người ta có thể nghe hoặc không nghe một ý kiến, bác bỏ một ý kiến; nhưng không thể bác bỏ một dữ kiện thực tế có tính khách quan. Tương tự là một chân lí đến từ một quá trình suy diễn và biện minh hợp lí.

Những cái đến từ lí tính và một quá trình xử lí dữ liệu tốt dễ khiến người ta đồng thuận hơn. “Nói có sách mách có chứng” thì đến “con kiến trong lỗ cũng phải bò ra mà nghe”.

Trong kinh doanh, người ta cần nhiều hơn những quá trình xử lí thông tin hữu hiệu, gia tăng mức độ ra quyết định dựa trên bằng chứng (evidence-based), dựa trên dữ liệu (data-driven).

Tiếc thay, văn hóa Việt Nam trọng chữ tình, thích đại khái vo viên; nền giáo dục lại không mạnh trong đào luyện tư duy phê phán (critical thinking), nên nói chung lý tính của nhiều người còn chưa mạnh. Khi không thể sử dụng độc lập cái cỗ máy lý tính trong não, người ta chỉ còn cách dùng trực giác, cảm xúc, kinh nghiệm, viện dẫn ý kiến của người khác. Không có khả năng tư duy chậm đặc trưng của giống loài người hiện đại được giáo dục tốt, mà chỉ có tư duy nhanh nhờ phần cấu trúc “động vật” giời cho từ lúc lọt lòng. Đó là một khoảng trống có nguồn văn hóa rất lớn, mà khi ai đã nhận thức ra được thì đều phải bỏ ra một nỗ lực không nhỏ để lấp đầy, như con cá bơi ngược dòng.

Mặc dù lý tính không phải là cây đũa thần cho mọi chuyên, nhưng nói chung chúng ta vẫn còn góp gạch góp vữa phải xây dựng ngôi nhà lý tính cho bản thân mình. Để đối phó với tình trạng tin giả, tin đểu, ngụy tri thức, mê tín, lầm lạc. Để có thể tự khai thác hiệu quả nguồn lực quan trọng nhất: cái thứ trông như đậu phụ nằm trong hộp sọ của mỗi người.