Năm 2024 này, nước Nhật lưu hành tờ bạc một vạn yên mới in hình ông Shibusawa Eiichi, cha đẻ của chủ nghĩa tư bản đất nước mặt trời mọc. Có lẽ nước Nhật đã muốn kích hoạt lại tinh thần kinh doanh ở quy mô xã hội từ lâu lắm rồi, nhưng thiếu ngọn cờ có khả năng hiệu triệu. Phải chăng với một triều đại mới, người ta hy vọng in “lá cờ” ấy lên tờ giấy bạc để hòng thức tỉnh quốc dân?
Thanh Uyên (Shibusawa Eiichi) tiên sinh vốn người gốc gác nông dân, từng có tư tưởng bài ngoại, định lật đổ chế độ, rồi lại vào phục vụ chế độ để trở thành một nhân sự cốt cát của Bộ tài chính. Nhưng rồi lại vì nhìn thấy đất nước như một người có cái đầu Nhà nước to đùng nhưng chân tay Doanh nghiệp teo tóp nên ông bỏ việc nhà nước mà ra khởi nghiệp.

Tờ 10000 yên mới với chân dung Shibusawa Eiichi
Bao nhiêu năm nay, người Nhật đã quen với tờ một vạn yên quen thuộc có hình ảnh Fukuzawa Yukichi – nhà khai sáng lỗi lạc

Các lĩnh vực khởi nghiệp của ông Shibusawa đều mới, có tính chất đặt nền móng cho nền công nghiêp. Ngày nay các học giả xem ông là người có tinh thần doanh nghiệp đổi mới (entrepreneurship) điển hình. Ông tham gia sáng lập hàng trăm doanh nghiệp lớn nhỏ, có sách thống kê chính thức 187- như sách của Shimada Masakazu, có sách ghi “500” – như phần tay gập của bìa sách Vũ Dạ Đàm. Các lĩnh vực mang tính chất nền móng của nền kinh tế: Ngân hàng, dệt, vận tải, khai khoáng, giáo dục đào tạo… Rõ ràng ông là một doanh nhân khởi nghiệp thượng hạng xưa nay chỉ có một.

Không chỉ gói mình trong khu vực doanh nghiệp, nhà khởi nghiệp đại tài Thanh Uyên tuy không phải là nhà giáo dục nhưng lại tham gia sáng lập hàng loạt tổ chức xã hội, tổ chức giáo dục quan trọng mà còn đến tận ngày nay. Hơn nữa, ông cũng đã trở thành nhà tư tưởng cho một dòng “triết lí đạo đức” mới của chủ nghĩa tư bản ở nước Nhật khi xây dựng nền móng đạo đức và triết lí cho doanh nhân Nhật: sáng tạo và làm giàu trên nền tảng của đạo đức và cống hiến xã hội. Cho đến nay, ta đã chứng kiến hàng loạt nhân vật doanh nhân trác việt từ nước Nhật có tư duy như ông Shibusawa cổ súy. Dưới con mắt lí tưởng-hành dụng chủ nghĩa của ông Shibusawa , “Luận ngữ” cũng quan trọng như cái Bàn tính trong công cuộc làm ăn; đạo đức là gốc của tài năng kinh doanh. Ông Shibusawa không phải là nệ cổ, mà biết khai thác vốn cổ quý báu của dân tộc và của thế giới mà làm lợi cho mình và người khác. Tinh thần đó ngày nay sẽ được gán cái nhãn mới là tinh thần khai phóng.

Kể từ Shibusawa Eiichi, nước Nhật đã tiến những bước dài, nền kinh tế đã có hàng trăm năm tích lũy. Đứng đằng sau là tầng tầng lớp lớp các doanh nhân đầy nhiệt huyết luôn biết cách vượt lên nghịch cảnh để sáng tạo và phát triển. Những cái tên tiếp nối chính là rường cột quốc gia đích thực như Matsushita Konosuke, Soichiro Honda, Morita Akio, Inamori Kazuo… Giới doanh nhân đã tiến lên hàng đầu trong đội ngũ tinh hoa của đất nước từ chỗ yếu thế trong một thế giới Nho giáo, với đầy đủ phẩm chất và đóng góp. Họ đều là những người có khả năng lọc ra từ vốn cũ của dân tộc để giữ gìn cái gốc rễ đạo đức và văn hóa, tiếp thu cái hiện đại của thế giới, và không ngừng vun bồi ý chí vươn lên để thúc đẩy sự tiến bộ của xã hội.

Written by Tấn Dương