Trước hết là do hiểu sai khái niệm giáo dục học “trải nghiệm”. Hay bị gán ghép với ý nghĩa thông tục của trải nghiệm, cho nên có chuyện “cho đi ra đồng trải nghiệm” – thực chất là cưỡi ngựa xem hoa.

Learning-by-doing là một chủ trương học tập, không phải một phương pháp, cũng không phải một phương pháp luận. Xuống đồng cuốc đất chưa chắc đã nắm được điều căn bản gì của nghề nông. Nhiều cách làm “học trải nghiệm” hiện nay không tiến xa được bởi có làm nhưng chưa có sự nghiệm lại. Thực tế, quy trình học tập trải nghiệm liên quan chặt chẽ với quy trình tiếp nhận thông tin từ các giác quan và xử lí nó, đưa thành nhận thức và lưu giữ trong não bộ. Học tập trải nghiệm, theo  Kolb, là một quá trình vận dụng các hiểu biết về tâm lí và cơ chế học tập của não bộ để việc học được tự nhiên cũng như đạt kết quả cao hơn. Nó rõ ràng không thể là hình thức đơn giản hóa “cho đi trải nghiệm” được.

Hoạt động trên các vùng não, theo Teaching with the brain in mind

Ở đây chúng ta có quy trình bốn bước: Kinh nghiệm -> Phản tư -> Khái niệm hóa -> Kiểm tra tính đúng đắn. Rồi lặp lại.

Trước khi vạch ra mục tiêu của khóa học, sinh viên đã có sẵn kinh nghiệm rồi. Có một khoảng cách giữa kinh nghiệm cá nhân sinh viên với các mục tiêu đó (mục tiêu này có thể là từ bên ngoài vào hoặc tự đặt). Nếu phải vẽ ra những con đường để đi đến mục tiêu học tập, cần phải là con đường của chính mình, chỉ có như vậy mới có thể giải phóng và mở rộng kinh nghiệm. Toàn bộ công việc giáo dục có ý nghĩa là vẽ ra và đảm bảo người học đi được con đường đó. Đó mới thực sự là “constructivism”. Và khi làm theo một trình tự hợp lí, kiểu như Kolb, thì ta có được cách học tự nhiên nhất.

Nếu ta lại giúp người học tích hợp và vận dụng được vào các tình huống của cuộc sống, giúp cho quá trình học tập cũng là một quá trình sống đích thực, thì tức là ta có học tập đích thực (authentic learning).

Kinh nghiệm là nguồn gốc (có thể không phải là duy nhất) của nhận thức. Bản chất của kinh nghiệm là xây dựng các tương tác với thế giới xung quanh, tạo nên những nhận thức mới. Kolb nói việc giáo dục cơ bản là giải phóng và mở rộng kinh nghiệm. Cho nên giáo dục phải lấy cái gốc trải nghiệm (một cách gọi khác của kinh nghiệm: vừa là cái đã kinh qua, vừa là cái đã tụ lại) để phát triển. Nói ngắn gọn, learning-by-doing thực chất là xoay quanh cái gốc trải nghiệm để tổ chức sự học của con người.