“Giảng viên xoàng dạy, giảng viên giỏi truyền cảm hứng”. Câu này nói cho sang miệng chứ thực ra không có giá trị thực hành mấy.
Ai giỏi chả truyền cảm hứng cho người khác được. Lập trình viên giỏi truyền cảm hứng cho đàn em. Nhà lãnh đạo truyền cảm hứng cho dân chúng. Việc làm tốt truyền cảm hứng cho người chứng kiến. Đó là loại cảm hứng tích cực.
Còn có loại cảm hứng không tích cực từ những nhà truyền cảm hứng chuyên nghiệp. Họ lên hát bài ca thành công, kích thích sự tự tin ở người nghe. Họ nói “Bạn mới chỉ khai thác được 1% khả năng bạn có thể, hãy tự tinh vào chính mình!”. Họ thổi cho bạn một ngọn lửa. Bạn bay lên mây. Bạn cảm thấy mình được khai sáng. Bạn thấy được truyền lửa. Cho tới sau đó một tuần, ngọn sét của hiện thực nổ đánh đoàng vào giữa đám mây đó. Bạn giật mình và rơi trở lại mặt đất.

Tôi nghĩ nhà giáo giỏi là giáo viên thạo nghề. Mà nghề giáo là cái nghề gì?
Chắc không phải nghề truyền cảm hứng.
Có thể là nghề bày ra chuỗi trải nghiệm học tập có ý nghĩa và có hiệu quả cao. Tục gọi là thiết kế bài giảng, rộng hơn là thiết kế khoá học, rộng hơn nữa là thiết kế chương trình học tập, rộng hơn nữa là thiết kế sản phẩm giáo dục.
Nghề dạy là nghề khiến cho những thiết kế trải nghiệm đó đi ra từ trang giấy để thành hiện thực, kéo được sự tham gia tích cực từ người học, và biến đổi người học lên trạng thái mới của thái độ, nhận thức, kĩ năng.

Có nhiều học trò giỏi thì tức là thầy giỏi? Chưa chắc, vì có đứa nó giỏi sẵn rồi. Dạy đứa dốt thành ra trung bình cũng là dạy giỏi chứ?
Đo bằng sự tiến bộ thì tốt hơn. Tốt hơn nữa là đo bằng mục tiêu. Nếu đặt mục tiêu cụ thể mà phần lớn đạt được thì tức là nhà giáo đã có thể kiểm soát được công việc của mình. Kiểm soát được công việc của mình đã. Còn kết quả thì có khi lại phải xem “cô có thương không”.
Messi đá bóng giỏi không? Rất. Nhưng cũng nhiều trận anh tịt ngòi. Không phải cứ muốn ghi bàn là có bàn thắng. Dạy dỗ cũng thế cả thôi. Bạn thiết kế tốt, bạn chuẩn bị chu đáo, nhưng lên lớp đúng lúc học viên vừa bị sếp dọa sa thải hôm qua (ví dụ thế), thì kết quả cũng không nên quá kì vọng.

Nghề dạy có tiêu chuẩn nghề nghiệp của nó. Nhưng không phải tất cả các tiêu chuẩn đều nhất quán.
Bạn so tiêu chuẩn giáo viên INTASC của Mĩ sẽ thấy có lẽ chỉ trùng khít rất ít nội dung so với tiêu chuẩn của Bộ giáo dục nước ta. So tiêu chuẩn Coach của Scrum Alliance và ICF, sẽ thấy chỉ có chưa đến 20% nội dung có vẻ giống nhau. Bạn cần biết chắc bạn đang hướng đến tiêu chuẩn nào. Đó chính là “bộ lạc” mà bạn muốn trở thành thành viên của nó.

Tuy vậy bạn giảng viên mới cũng chớ có sợ hãi làm gì. Cần bám vào vài nguyên tắc đơn giản thôi. Ví dụ, một nhà giáo đặt ra tiêu chuẩn cho việc dạy của mình như sau: “Khiến cho sinh viên vui vẻ thoải mái khi vào lớp học, cuối khóa học họ biết được rất nhiều thứ, và muốn biết nhiều hơn nữa sau khi khóa học kết thúc”. Cứ nhất quán vài nguyên tắc đơn giản của bạn đến mức thành thục, dĩ bất biến ứng vạn biến, và không ngừng cải tiến cách làm nghề. Sẽ giỏi.