Binh pháp của Tôn Tử là một cuốn sách vĩ đại đã vượt qua bài kiểm tra của thời gian để vẫn sống động sau hàng nghìn năm với tư cách của một cuốn cẩm nang về tư duy chiến lược, thuật chiến tranh, và tư duy lãnh đạo. Tuy vậy, nhiều người nói đọc nó không dễ dàng. Nhiều người chỉ nghe mà chưa đọc, một số đã thử nhưng có khi lại không thu hoạch được mấy. Một trong các nguyên nhân của tình trạng này là do không có cách đọc hợp lí. Sau đây tôi xin đưa ra một gợi ý cụ thể để biến binh pháp thành công cụ của chính mình. Đây cũng là mấy cách tôi dùng để các học viên của mình đọc trong các lớp học về Tư duy Chiến lược hoặc Leadership.

1. Đặt vào bối cảnh

Tìm hiểu hoàn cảnh ra đời của Binh pháp. Đưa toàn bộ câu chuyện trở về thời Tôn Tử viết ra Binh pháp. Chúng ta sẽ phải tìm hiểu câu chuyện của nước Ngô dưới thời vua Hạp Lư. Vị quân vương đã vươn lên từ vị thế của một nước nhỏ phía Đông trở thành một nước lớn, xưng Bá trong số các chư hầu nhà Chu trong thời Xuân Thu.  Cách Tôn Tử chinh phục vua Hạp Lư bằng chính Binh pháp, để trở thành đại tướng của nước Ngô. Thật may mắn, thời nay các thông tin này dễ dàng tìm thấy trên Internet, đọc Sử ký của Tư Mã Thiên, hoặc xem một số bộ phim về Hạp Lư và Tôn Tử có trên YouTube. Việc có được các thông tin giúp ta hiểu được các tình thế đặt ra, chiến trận thời cổ, các từ vựng được dùng trong sách có nghĩa đen là gì, các nội dung của sách có ý nghĩa như thế nào. Đó là cách đọc văn bản trong bối cảnh gốc.

Khi hiểu được sách trong bối cảnh nguyên thủy, ta có thể đặt cuốn sách sang những bối cảnh khác gần gũi hơn, ở trong lịch sử hoặc trong hiện tại. Ta sẽ thấy Binh pháp hiển hiện trong các câu chuyện của Hán-Sở tranh hùng, trong diễn biến của thời Tam Quốc, trong các bộ phim bạn xem sau này diễn tả những chiến lược của người Vikings trong chuỗi phim cùng tên trên Netflix, hay trong series phim giả tưởng đình đám Games of Thrones. Bạn không mấy khi là đại tướng cầm hàng vạn quân chinh chiến sa trường, nhưng bạn có thể nhập vai, hoặc vận dụng các nội dung của Binh pháp để phân tích, diễn giải, phóng đoán bằng con mắt của người quan sát; cách đó một lần nữa làm cho hiểu biết của bạn trở nên sống động và có ích hơn.

Rồi từ những bối cảnh gần gũi với bản gốc, bạn có thể dần mang Binh pháp sang các bối cảnh khác của thương trường có cạnh tranh khốc liệt, hoặc ở trong các bối cảnh ít có tính chiến tranh hơn nhưng vẫn cần một tư duy chiến lược để đạt kết quả v.v.

2. Đọc so sánh, nhìn từ các góc khác nhau

Trong khi đọc bản gốc của Binh pháp, bạn đọc kèm một số phiên bản khác đã. Chúng có thể bao gồm các phần bình luận chú giải rất có giá trị hoặc các phiên bản phóng tác từ bản gốc. Trong bản dịch ra tiếng Việt của Ngô Văn Triện, chúng ta thấy có chứa nhiều bình luận qua các thời đại trong lịch sử Trung Quốc. Việc đọc này có thể mất thời gian nếu bạn không có kiến thức về lịch sử Trung Quốc. Bạn sẽ phải tra cứu nhiều để hiểu bối cảnh của từng bình luận. Nếu bạn đầu tư thời gian đủ lâu và sự tra cứu đủ cẩn trọng thì trải nghiệm đọc sẽ trở nên sâu sắc hơn đáng kể. Phần thưởng của bạn không chỉ là hiểu biết cặn kẽ về Binh pháp, mà còn một lát cắt của lịch sử thông qua “lịch sử vận dụng Binh pháp” qua các thời kì.

Bạn cũng có thể chọn những bình luận “Bàn về binh pháp Tôn Tử” của Hồ Chí Minh, cùng với bản dịch được cụ Hồ sử dụng làm phương tiện huấn luyện lãnh đạo cách mạng vào giai đoạn lập nước. Phiên bản Binh pháp của Hồ Chí Minh là một văn bản rất quan trọng, quý giá. Nó cho thấy năng lực tổng hợp lý luận tài tình của cụ Hồ, khả năng sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt điêu luyện để diễn đạt những vấn đề khó trở nên sáng sủa dễ hiểu, cũng như khả năng vận dụng lý luận linh hoạt sát sườn vào từng tình huống cụ thể của cách mạng. Nó cũng cho thấy hiệu lực của Binh pháp đối với sự thành công của cách mạng, góp phần mở ra một thời đại cho một Việt Nam mới, độc lập.

Bạn cũng có thể đặt cạnh một phiên bản phái sinh cho doanh nhân (Binh pháp Tôn Tử trong kinh doanh, Becky Sheetz-Runkle), nhà quản lý (Binh pháp Tôn Tử trong quản lí, Hoàng Xuyên) hoặc Binh pháp Tôn Tử cho phái đẹp (sách của Chin-Ning Chu). Bạn sẽ thấy những nguyên lí “Đạo – Thiên – Địa – Tướng – Pháp” được các tác giả diễn giải theo những cách khác nhau. Từ đó, bạn sẽ thấy người ta “đọc theo cách của mình”. Bạn có toàn quyền để tự mình xem xét một lần nữa cách hiểu nào là xác đáng, cách hiểu nào là là hữu ích, cách hiểu nào có thể rất hiệu quả đối với tình huống sát sườn của riêng bạn (hoặc có thể tưởng tượng ra).
Điều quan trọng nhất là bạn hãy cẩn thận đối chiếu giữa lời của Tôn Tử với cách thức vận dụng trong thực tiễn để thấy những khuôn mặt khác nhau nhưng cùng hàm chứa một nội dung cụ thể của Binh Pháp. Binh pháp thiên biến vạn hóa là vì thế.
Nếu có điều kiện về thời gian, việc đọc so sánh có thể lan sang đối chiếu với các bản Binh pháp khác của các tác giả khác (Machiavelli, Clausewitz, Ngô Khởi…). Việc đọc đồng chủ đề như thế sẽ không giới hạn sự tìm hiểu về một cuốn sách nữa, mà sang cụm chủ đề chuyên sâu. Bạn có thể bổ sung bằng các nghiên cứu hiện đại hơn về các chủ đề được lựa chọn. Bạn sẽ đi sâu nghiên cứu về chiến lược quân sự, hoặc tư duy chiến lược nói chung, hoặc về thuật lãnh đạo, v.v. chứ không chỉ đọc một cuốn sách riêng lẻ.

3. Mang ra bàn luận và vận dụng

Như trên đã nói chúng ta phải thấy được tình huống ứng dụng của Binh pháp thì mới hiểu nó cho thật kỹ. Chúng ta đã tham khảo các các văn bản khác nhau trong các tình huống sử dụng khác nhau. Giờ thì chúng ta có thể độc lập suy nghĩ đối chiếu, so sánh và liên hệ tới các tình huống của chính mình, hoặc những tình huống gần gũi đương đại mà bạn có thể tưởng tượng ra. Bạn có thể làm điều đó một mình, viết ra, hoặc thảo luận với người cùng đọc. Trong một lớp học, trong một câu lạc bộ, trong một cuộc trà dư tửu hậu, trong một cuộc trà đá, trong một phiên cà phê ngắn, hoặc trong một hội thảo nghiêm túc nếu có điều kiện. Bạn cũng có thể làm bản thuyết trình hoặc viết một reflection dày dặn. Quá trình này có thể giúp bạn vỡ ra nhiều thứ, giải ngộ nhận nhiều thứ và thực sự tiêu hóa Binh Pháp. Tri thức có được ở trong bạn sẽ ngày càng sâu sắc và hiệu quả hơn khi nó được đem ra thực hành, và được cọ xát trong các tương tác xã hội như thế.

4. Viết lại Binh pháp theo cách của mình

Một cách làm đòi hỏi nhiều nỗ lực nhưng có thể rất đáng giá. Bạn hãy viết lại Binh pháp như thể viết một cẩm nang cho chính mình và đồng đội như cách cụ Hồ Chí Minh đã từng làm. Nhiều người khác cũng đã từng làm như thế và để lại những phiên bản mới hữu ích có sức sống mạnh mẽ trong đời sống đương đại như nhắc đến ở phần trên. Khi bạn tự viết, bạn không chỉ “đọc theo cách của mình”, mà bạn bắt đầu kiến tạo ra một cái mới. Nó sẽ phục vụ cho công việc của chính bạn. Bạn sẽ mang nó bên mình, vận dụng, góp phần vào việc tạo ra đổi thay trong đời sống. Tôi đã chứng kiến vài học viên làm theo cách này, họ kinh ngạc trước sự hiệu quả mang lại.