Hôm qua, cô nhà báo xinh đẹp và tốt tính của tờ báo nội bộ thuộc loại thâm niên nhất bị mình gọi là “nhà báo lão thành” đã nhảy dựng lên đòi cam kết từ giờ không được dùng từ “lão”, nếu không từ đây đừng có chơi bời gì nữa. Cũng biết cô ấy đang sợ cái từ nhạy cảm ấy cỡ nào, nên thôi chả đùa thêm nữa, đành phải hứa chứ biết làm sao. 🙂
Chiều nay thì khác, giời trao cho mình cuộc nói chuyện ngắn nhưng tình cảm với một “cán bộ lão thành” thứ thiệt. Chị ấy đã có 13 năm gắn bó với một đơn vị đang chuẩn bị kỉ niệm tuổi 15. Số người có thâm niên hơn chị ấy còn ở đây đếm chỉ vừa số ngón trên hai bàn tay.
Hằng ngày, chị vẫn bền bỉ vượt 17 cây số đầy những khói bụi và tắc đường từ trung tâm ra ngoại thành Hà Nội, tất bật những công việc của một nhân viên hành chính. Đủ việc: hồ sơ giấy tờ, tiếp đón sinh viên đủ kiểu, giờ lại được giao quản từng quyển sách trong kho. Bảy giờ sáng chị đã phải ra khỏi nhà để đến công sở cho kịp giờ làm việc, chạy vòng quanh cũng hết ngày, về nhà lúc trời đã gần 7 giờ tối. Việc nọ việc kia nhoáng tí cũng đến giờ phải đi ngủ. Her life is like a roller coaster. Nhà chị chả thiếu thứ gì, nhà cửa xe pháo đàng hoàng. Nhiều người quen biết có thể không lí giải nổi tại sao chị vẫn cặm cụi làm tròn bổn phận của một nhân viên quèn với sự vất vả thấy rõ như thế. Trong lịch sử nghề nghiệp, chị đã từng là một nhân viên lễ tân xuất sắc, một tư vấn viên rất đáng tin cậy, mama tổng quản của một trung tâm đào tạo tốt của hệ thống.
Trung tâm cũ tái cấu trúc, chị thuộc diện phải lưu lạc đến chỗ này, nơi tinh thần cạnh tranh giữa các nhân viên có phần nổi bật, môi trường được thân thiện như mong đợi. Chị vẫn mang theo mình nỗi nhớ cái “gia đình” ở trung tâm cũ, nơi mọi người giúp đỡ và chia sẻ trong mọi việc. Làm ở chỗ mới một thời gian không ngắn nhưng chị vẫn chưa thể quen được văn hóa mới, cứ gặp “cố nhân” là thở hắt ra sự tiếc nuối khôn nguôi. Đấy cũng là bệnh thường gặp của cánh “lão thành”, họ không dễ bề thay đổi bởi đã có “trầm tích”, đầy những kí ức và kinh nghiệm.
Những “lão thành” như chị là những bằng chứng sống cho lịch sử thăng trầm của hệ thống. Nhiều người trong số chị đang lặng lẽ và âm thầm chìm khuất trong hàng nghìn nhân viên mà hầu hết là mới của tổ chức. Có ai đó đang tính làm bảo tàng để lưu giữ kí ức cho công ty, trưng bày những kỉ vật quan trọng, những văn bản đáng nhớ, những bức hình lịch sử; nhưng hình như chưa thấy ai suy nghĩ thật kĩ về cái bảo tàng chất chứa trong những “lão thành” còn sống sờ sờ ra đấy.
Phải làm sao cho phải đạo đây?