Chưa bao giờ tôi xài sang như khi đọc cuốn sách này. Thực ra là đọc lại. Lần trước cách đây hơn chục năm rồi vứt xó (có lẽ dạo đó chưa phải COO Xi ÂU Iếc gì nên đọc chẳng hiểu gì), may nhờ chuyên gia vận hành của Tiki nhắc nhờ nên mới phủi bụi đọc lại.
Tôi đã bỏ ra những 13 đô la để rước về phiên bản mới nhất chỉ để xem tác giả đã chỉnh sửa những gì.
Kết quả cũng hay hay: tác giả đã thay một chiếc xe Buick bằng một chiếc Mazda nào đó trong lần xuất bản thứ ba có chỉnh sửa này cho hợp thời. Ngoài ra có thêm một bài viết mang tính lí luận rất đáng giá: “Đứng trên vai của những người khổng lồ”. Đó là bản 2014, kỉ niệm 30 năm ngày xuất bản đầu tiên, cũng là lần tái bản sau 3 năm về giời của tác giả Eliyahu Moshe Goldratt.
Cuốn này rất đặc biệt. The Goal này được xếp vào thể loại Fiction, vì nó là tiểu thuyết (ở VN nó được xuất bản ở Nhà Xuất bản Văn học keke), nhưng lại được các trường kinh doanh đem vào làm giáo trình giảng dạy. Kì thực, đây có lẽ là cuốn nhập môn về tổ chức sản xuất, nhập môn về vận hành, nhập môn về Theory of Constraints hay nhất mọi thời đại.
Tôi không rõ là với cái thói quen đọc nhanh đọc lướt ngày nay thì có ai thích đọc tiểu thuyết nữa không, chứ đừng nói là có ai đủ thời gian để sống chậm mà nhâm nhi và suy nghĩ về chuyện bếp núc của kinh doanh, sản xuất núp bỏng tiểu thuyết như cuốn sách này. Có điều, nếu không phải là một tiểu thuyết, thì cũng không thể chuyển tải nhiều chi tiết và lôi cuốn người ta từ trang đầu đến trang cuối như thế.
Tôi đang nhờ bạn đặt vài cuốn bản dịch năm 2008 để ở công ty cho anh em nghiên cứu, và cũng để 1-2 bản tặng bạn thân. Nhưng cũng không chắc là có thể đặt được. Vì ở xứ ta, sách kiểu này ế lắm. Người ta quen với sách kiểu chém gió, sách kiểu dạy làm giàu cấp tốc, sách kiểu “làm điếu thuốc lào nâng cao sĩ diện” chứ không phải là sách dạy làm thế nào để làm chủ nghề sản xuất và vận hành 🙂
Về nội dung thì đại khái nó thế này. Đây là một thiên tiểu tuyết cỡ vừa về một anh chàng giám đốc nhà máy đang trên trên đà lao dốc. Mà khi lao dốc thì đủ thứ chuyện, anh em dọa bỏ, sếp dọa đuổi, vợ dọa từ mặt vì can tội nghĩ về công việc 24/24 mà bỏ bê vợ đẹp con ngoan hoang phí. Thế rồi trong ơn bĩ cực có quý nhân phù trợ, một ông giáo sư hiện ra mang đến bảo bối Theory of Constraints. Thế là nhà máy được giải thoát, nhân vật thì phất lên. Hay hơn nữa, thế là vợ lại về với anh.
Còn về cái lý thuyết TOC kia thì đại khái nó nói là phải làm sao để tìm ra mắt xích yếu nhất trong hệ thống, rồi khai thác cái mắt xích đấy để tối ưu hóa quá trình sản xuất. Trong quá trình đó cần làm việc với một cái tư duy hệ thống chứ không phải tư duy kiểu tối ưu cục bộ chỉ cốt làm nhiều và giảm tối đa chi phí. Với tư duy như thế thì chúng ta không nhất thiết phải bắt máy chạy 100% công suất, người làm việc 10 tiếng 1 ngày mà vẫn có thể tăng năng suất gấp bội. Chi tiết thế nào thì mời đọc sách hehe.
Nói dài dòng thì cuối cùng cũng phải túm lại. Sách này kinh điển, gối đầu giường của các CIO, COO, DevOps (DevOps nhé, thời thượng không hehe).
Đọc kèm “Phương thức Toyota” của Liker nữa thì càng thích. Nhưng lưu ý là tổng số trang của cả hai là đi cỡ: 556+590 = một nghìn mốt mấy mấy trang gì đó. Không vội được.
Còn nếu là COO của bên cánh làm phần mềm hoặc business dựa trên phần mềm, nếu đã đọc xong được 2 cuốn kia thì cũng hạ cố đọc thêm “Cẩm nang Scrum dành cho người mới bắt đầu” của Dương Trọng Tấn và đồng bọn, chỉ thêm có 230 trang bọ hehe.