“Từ tốt đến vĩ đại”, cùng với “Xây để trường tồn”, và “Vĩ đại do lựa chọn” là một bộ ba kinh điển về xây dựng doanh nghiệp. Chúng ta có thể đọc bộ ba này hết lần này đến lần khác mà không biết chán và lúc nào cũng nhận về những bài học sâu sắc mới. 

Dạo gần đây tôi mở “Từ tốt đến vĩ đại” ra đọc, sau hơn một năm ngồi đọc cùng với các bạn hữu ở Học viện Agile. Nay xin ghi lại mấy điểm quan trọng từ sách. 

***
1. Lãnh đạo cấp độ 5

Một công ty vĩ đại phải có các lãnh đạo cấp độ 5. Đặc trưng của họ là kiên định với mục tiêu lớn của tổ chức, vừa khiêm nhường vừa có nghị lực làm việc mạnh mẽ.
Nhà lãnh đạo Cấp độ 5 thể hiện sự khiêm tốn, nhún nhường và dè dặt.
Các nhà lãnh đạo cấp độ 5 của công ty nhảy vọt không cố gắng tạo tinh thần và truyền động lực cho nhân viên. Thay vào đó, họ đưa ra những bằng chứng cho nhân viên thấy những gì mình đang làm là hợp lý và sẽ đem lại kết quả. Họ không công khai tuyên bố các mục tiêu lớn ngay từ đầu. Thay vào đó, họ bắt đầu đẩy chiếc bánh đà, từng vòng, từng vòng một. Khi chiếc bánh đà đã có trớn và mọi người cảm nhận được điều ấy, họ sẽ cùng tham gia ghé vai đẩy chiếc bánh đà đi tiếp. Họ cần cù lao động tạo ra kết quả.
Nhà lãnh đạo cấp độ 5 không quan tâm đến những chương trình lòe loẹt, tạo cho người ta cảm giác đang “lãnh đạo”. Họ quan tâm nhiều hơn đến việc đẩy bánh đà để tạo “kết quả”. Họ không dành thời gian để “động viên nhân viên”, “tạo sự hòa hợp”, “quản trị thay đổi”. Dưới những điều kiện phù hợp, những điều này tự nó được giải quyết.
Nhà lãnh đạo cấp độ 5 tạo điều kiện để người kế nhiệm đạt thành công bền vững và có khát khao mạnh mẽ tạo kết quả bền vững. Họ cho rằng, nếu công ty có thành công, thì không phải là do mình, mà do các yếu tố bên ngoài mình: nhân viên, thị trường, may mắn, gặp ân nhân…)

Các cấp độ trước đó theo phân loại của Collins:

  • Cấp độ 4: Nhà lãnh đạo hiệu quả (theo đuổi mục tiêu, thú đẩy sự tận tụy, tạo động lực cho những tiêu chuẩn cao hơn). Cấp độ 3: Giám đốc có năng lực.
  • Cấp độ 2: Thành viên trong một nhóm có đóng góp.
  • Cấp độ 1: Nhân viên có năng lực.

2. Hành động theo nguyên tắc: đầu tiên là “ai” …sau đó là “cái gì” (Con người đi trước, công việc theo sau)
Đặt trọng tâm lên các tính cách cá nhân nhiều hơn trình độ học vấn, kỹ năng thực dụng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc.

3. Nhìn thẳng vào sự thật trần trụi, nhưng không đánh mất niềm tin vào sự thành công (lắng nghe mình, chấp nhận mình để giải phóng sức mạnh của chính mình)
Mọi người có nhiều cơ hội được lắng nghe, và đỉnh cao là sự thật được lắng nghe.

  • Lãnh đạo bằng câu hỏi, không phải bằng câu trả lời.
  • Tham gia vào các cuộc đối thoại và tranh luận, đừng ép buộc.
  • Thực hiện các cuộc phân tích, không đổ lỗi.
  • Thiết lập chế độ cờ đỏ để đưa thông tin lên thành thông tin không thể bỏ qua.

Nghịch lý Stockdale: Giữ vững niềm tin rằng cuối cùng bạn sẽ chiến thắng, đồng thời đối diện sự thật phũ phàng của hiện tại.

4. Duy trì “con nhím” (Hedgehog:

Doanh nghiệp vĩ đại làm cái mà mình vừa thích vừa giỏi trong khi thị trường thì sẵn sàng móc hầu bao đưa cho bạn để bạn làm cái đó.

“Bất kỳ điều gì không phù hợp với Khái niệm con nhím, chúng ta sẽ không làm. Chúng ta sẽ không tham gia vào các hoạt động kinh doanh không phù hợp. Chúng ta sẽ không mua lại những công ty không phù hợp. Chúng ta không tham gia vào các liên doanh không phù hợp. Nếu nó không phù hợp, chúng ta sẽ không làm. Chấm hết.”.

Con nhím, Ảnh: Collins.

5. Tạo dựng văn hóa kỉ luật

Suy nghĩ kỉ luật, hành động kỉ luật.

Tổ chức vĩ đại = Văn hóa kỷ luật + Tinh thần dám nghĩ dám làm cao.

Văn hóa kỷ luật: đề ra mục tiêu và thực hiện cho bằng được.

6. Xem các công nghệ mới như là bàn đạp để phát triển kinh doanh chứ không nên trông chờ vào nó.

Đừng tôn thờ công nghệ hay lí thuyết, công nghệ tốt phải là công nghệ tạo kết quả tốt. “Con nhím sẽ quyết định công nghệ,không phải ngược lại”.

7. Chia sẻ với các cộng sự của mình kể cả những kết quả khiêm tốn nhất

Đừng chờ khi thành công lớn mới ăn mừng, lúc đó có khi phắn hết cả rồi.
***
Tái bút: Khi đọc đi đọc lại cuốn này, tôi thực sự muốn trả lời một câu hỏi khác “Thế từ “tầm thường” đến “tốt” thì phải để ý chuyện gì nhỉ?”. Điều này rất hệ trọng đôi với các startup và những công ty SME còn ở giai đoạn đầu phát triển. Liệu các điều Collins nói ra có tác dụng tới đâu? 

Written by Tấn Dương