Tình trạng thiếu nhân lực cả về số lượng lẫn chất lượng hiện nay ở rất nhiều ngành là rất đáng ngại. Đáng tiếc, cả doanh nghiệp lẫn cơ sở giáo dục đào tạo đều có vẻ chuyển động rất chậm để công phá vấn đề nóng hổi này.
Nhiều người đã đồng thuận về sự cần thiết của mối hợp tác trường đại học – doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu. Thậm chí, việc này đã được quy trình hóa đối với những đại học xây dựng chương trình đào tạo theo phương pháp luận CDIO. Nhưng dường như sự hợp tác này vẫn còn nhiều trở ngại đáng kể, và sự hợp tác tại rất nhiều nơi chỉ dừng trên các buổi lễ kí kết biên bản ghi nhớ.
Về mặt lí thuyết, lợi ích của cơ sở đào tạo tương đối rõ ràng khi “chơi thân” với doanh nghiệp. Nhà trường sẽ có đầu vào tốt cho việc xây dựng và đổi mới chương trình đào tạo gắn với thực tiễn, có được một sự đảm bảo ở các mức độ khác nhau về việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp. Nhà trường có thể có thêm được những hỗ trợ về nguồn lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành cho các sáng kiến nâng cao chất lượng đào tạo cũng như nghiên cứu và phát triển. Thậm chí, nhà trường có thể thu hút một lực lượng chuyên gia có tay nghề cao tham gia trực tiếp hoặc gián tiếp vào việc giảng dạy và huấn luyện cho sinh viên.
Trong khi đó, lợi ích của doanh nghiệp cũng không ít. Việc “bắt thân” với cơ sở đào tạo giúp cho doanh nghiệp chủ động hơn trong việc tuyển dụng để phục vụ cho phát triển, đặc biệt trong các lĩnh vực nóng (như nhân lực ngành IT, nông nghiệp 4.0 chẳng hạn). Không chỉ có vậy, việc tương tác sâu hơn với cơ sở đào tạo giúp doanh nghiệp giảm đáng kể thời gian phải đào tạo lại, giúp tối ưu hóa chi phí cho quản trị nhân sự. Đó là chưa kể doanh nghiệp có thể có được các sự hợp tác xa hơn thông qua các sáng kiến cùng nghiên cứu và phát triển, các chương trình tư vấn chất lượng cao cùng với các chuyên gia giàu tri thức từ trường đại học.
Câu hỏi đặt ra là “tại sao ngay cả khi lợi ích (chí ít là về mặt lí thuyết) rất rõ ràng, các cơ sở đào tạo và doanh nghiệp lại ít đến được với nhau?”. Tạm bỏ qua những đại học hoặc doanh nghiệp không cần những lợi ích kể trên vì lí do này khác, có những đại học rất tích cực kết nối doanh nghiệp, có những trưởng khoa rất chịu khó tìm kiếm mối hợp tác, nhưng kết quả hợp tác vẫn rất nghèo nàn, chủ yếu dừng ở tiếp xúc ban đầu, một vài cái biên bản ghi nhớ hợp tác, hoặc cùng lắm là một hai hội chợ việc làm. Ở chiều ngược lại, nhiều doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, rất khó bắt tay được với trường đại học trong một cơ chế lâu dài.
Có lẽ nút thắt trước hết nằm ở tư duy. Cả hai bên có thể còn đang coi việc hợp tác là “làm cũng được, không làm cũngchưa ảnh hưởng gì”, chưa có sự ưu tiên đủ lớn.Ta thấy, để vận hành một mô hình kinh doanh (theo nghĩa rộng, bao gồm cả hoạt động của một trường đại học không vì lợi nhuận), tổ chức cần phải biết mình đang mang lại giá trị gì cho đối tượng nào (khách hàng mục tiêu); để làm ra cái đó thì cần phải huy động nguồn lực (key resources) nào, có các hoạt động quan trọng nào và phải kết hợp với những đối tác chính yếu (key partners) nào. Như liệt kê ở bên trên, việc đưa cơ sở đào tạo vào danh mục “đối tác chính yếu” của doanh nghiệp sẽ bổsung vào mô hình kinh doanh của doanh nghiệp ở hai khía cạnh là “đối tác quan trọng”, “nguồn lực chính yếu” (bao gồm nhân lực có trình độ và tri thức). Trongbối cảnh kinh tế tri thứ, thì đây là một sự bổ sung rất có giá trị. Lậpluận nàycũng đúng đối với cơ sở đào tạo. Nhìn theo hướng này thì việc tạo mối liên kết nhà trường – doanh nghiệp nên là một việc ưu tiênở mức độ “việc làm chính yếu”, một việc mang tính chất chiến lược và thường xuyên.
Nhưng có lẽ nhận thức thôi vẫn chưa đủ. Sự bế tắc trong việc thiết lập mối quan hệ này có lẽ nằm ở điểm mấu chốt khác quan trọng hơn: Hành động chưa đủ. Do hành động chưa đủ nên chưa thể tạo được lòng tin sâu sắc giữa hai bên. Hành động chưa đủ nên không có các sáng kiến tạo ra động lực mới. Hành động chưa đủ nên sự hợp tác hời hợt không tạo ra kết quả, do đó không thể tiếp tục đẩy mối quan hệ đi xa hơn. Hợp tác không phải là một sự kiện, nó phải phải là một quá trình, đòi hỏi nhiều nỗ lực và đầu tư.
Một cách đơn giản hóa, chúng ta có thể nhìn ra ba mức độ hợp tác cơ bản. Bước một là nhận thức chung: Cả hai bên đều thấy cần phải có sự hợp tác, tiếp xúc với nhau ở nhiều cấp để nắm được nhu cầu và lợi ích của nhau, từ đó tạo dựng được lòng tin bước đầu. Mức độ tiếp theo là phải có chương trình hành động cụ thể (một dự án kết hợp nghiên cứu, hoặc một chương trình hợp tác đào tạo, hoặc phối hợp cùng cải tiến chương trình đào tạo…). Chương trình này nên được định rõ mục tiêu, nhân sự, nguồn lực, cam kết về tài chínhvà các mốc thời gian cơ bản để đạt được mục tiêu. Việc phân bổ nguồn lực và cắt cử nhân sự phù hợp cho các sáng kiến hoặc dự án hợp tác giữa hai bên, cùng với việc giám sát và động viên từ lãnh đạo sẽ giúp hai bên dần tháo gỡ được những khó khăn từ thực tiễn, và đạt được các kết quả bước đầu. Khi tạo dựng được lòng tin giữa hai bên, cũng như tự tin vào thành công từ sự hợp tác, hai bên sẽ gia tăng mức độ tin tưởng. Ở mức độ cuối cùng, doanh nghiệp và cơ sở giáo dục có thể hợp tác toàn diện, ở nhiều mức độ sâu rộng hơn để cùng đồng hành thúc đẩy sự phát triển của cả hai bên.
Như chúng ta có thể thấy, cái khó nhất chính là việc thúc đẩy chương trình hành động và ưu tiên hợp tác. Không có chương trình hành động, sự hợp tác không thể đi xa hơn mức độ kí kết “biên bản ghi nhớ hợp tác” mà nhiều trường hiện nay cũng đã thấy là không ích lợi gì. Phải chăng, quy trình hợp lí nhất cho việc hợp tác thành công là: Xác định rõ mình cần gì, đề xuất chương trình hành động cụ thể, rồi sau đó mới tiếp xúc và đến được với nhau? Mọi việc chung quy lại một từ khoá: Hành động.
<Đây là bài chưa biên tập của bài viết đã đăng trên Khoa học và Phát triển đầu tháng 8.2018>