Nhiều chuyên gia cho rằng người khởi nghiệp (hiểu theo nghĩa ‘khởi nghiệp sáng tạo’ có yếu tố mới – startup, chứ không phải là mở một doanh nghiệp nhỏ để đáp ứng một nhu cầu đã rất sẵn) không nên học MBA. Điều này có phần đúng.
Do truyền thống học thuật, các chương trình MBA hướng nhiều vào việc dạy kiến thức nền tảng và tương đối hàn lâm. Thêm nữa, các chương trình này lại có xu hướng trang bị cho các nhà quản trị các công ty đã trưởng thành thay vì startup. Tất nhiên cũng có những ngoại lệ.
Ngược lại, nhiều chuyên gia khi nghiên cứu về phong trào khởi nghiệp cũng nhận xét rằng nhiều startup chết vì thiếu hiểu biết căn bản. Trong đó có phần thiếu căn bản về quản lí và vận hành doanh nghiệp.
Ý tưởng và sản phẩm không phải là toàn bộ câu chuyện startup. Nhưng nhiều startup có xuất phát điểm rất đơn sơ là một ý tưởng về sản phẩm, mà thiếu đi những hiểu biết về khách hàng, tiếp thị và vận hành doanh nghiệp khởi nghiệp.
Như đề cập bên trên, những người sáng lập cần một lối quản lí phù hợp với khởi nghiệp. Lối quản lí này phải có khả năng linh hoạt để thay đổi nhanh với tốc độ trưởng thành và học hỏi của doanh nghiệp.
Cách thức đặt mục tiêu cũng khác, thay vì đơn thuần là doanh số hay đơn thuần là sản phẩm, startup cần phải học được nhiều bài học từ thị trường, kiểm chứng được nhiều giả định nhất để nhanh chóng tìm ra được mô hình kinh doanh tối ưu để tăng tốc phát triển ở giai đoạn sau.
Hơn nữa, mô hình quản trị của startup ở thời kì đầu đòi hỏi tính tinh gọn, tối giản để tiết giảm chi phí, gia tăng tốc độ ra quyết định và cải tiến nhanh chóng.
Trong số những hướng tiếp cận quản trị hiện đại, quản trị linh hoạt (Agile Management) dựa trên phương pháp khởi nghiệp tinh gọn (Lean startup) tỏ ra có nhiều ưu điểm giúp sức các nhà khởi nhiệp có được bộ công cụ tư duy và hành động hữu hiệu.
Nhà nghiên cứu về quản trị, tác giả các cuốn ‘best seller’ về quản trị hiện đại, Steve Denning có tóm tắt lại những cốt yếu của quản trị linh hoạt với 10 đặc điểm:
- Tổ chức công việc theo các chu trình ngắn (gọi là phân đoạn)
- Khi nhóm làm việc của họ trong các chu trình ngắn này, cấp quản lí không can thiệp (tức nhóm được trao quyền tối đa)
- Nhóm báo cáo trực tiếp cho khách hàng, không phải cho nhà quản lí
- Nhóm ước tính thời gian để hoàn thành công việc
- Nhóm quyết định khối lượng công việc để làm trong phân đoạn
- Nhóm quyết định cách hoàn thành công việc trong phân đoạn
- Nhóm tự đánh giá hiệu suất của mình
- Xác định mục đích của phân đoạn trước khi bắt đầu
- Xác định mục tiêu thông qua các câu chuyện người dùng (user stories)
- Loại bỏ các trở ngại một cách có hệ thống
Những đặc trưng này gia tăng sự tương tác giữa đội ngũ phát triển sản phẩm và khách hàng. Từ đó thúc đẩy sự học hỏi trực tiếp từ gốc và thúc đẩy các cải tiến sản phẩm theo hướng tích cực. Cách tiếp cận quản trị này cũng thúc đẩy sự cộng tác chặt chẽ liên-chức-năng trong nội bộ đội ngũ khởi nghiệp để phát huy trí tuệ tập thể, nhấn mạnh sự trao quyền, tự chủ và sáng tạo trong việc đưa ra những giải pháp tối ưu cho các vấn đề được đặt ra.
Cách quản trị này cũng nhấn mạnh tới khả năng Iterate (lặp lại các chu trình học hỏi), vốn là một đặc điểm nòng cốt trong phương pháp khởi nghiệp tinh gọn.
Bằng việc đưa ra các giả thuyết về nhu cầu khách hàng, về đối tượng khách hàng và các giá trị (value proposition), đội ngũ phát triển nhanh chóng xây dựng một mô hình kinh doanh cùng với trọng tâm là sản phẩm (ở mức độ đơn giản nhất có thể, sản phẩm khả dụng tối thiểu – Minimum Viable Product), rồi tung ra thị trường để kiểm chứng giả thuyết, thu về dữ liệu để phân tích và tiếp tục cải tiến mô hình kinh doanh.
Vòng lặp kiểm chứng giả thuyết này được thực hiện trong thời gian rất ngắn với chi phí thấp, thể hiện tinh thần chấp nhận thất bại (miễn là không nghiêm trọng đến mức không cứu vãn nổi) để học được những bài học quan trọng về khách hàng, về sản phẩm, và về mô hình kinh doanh.
Điều quan trọng là, bản thân phương thức khởi nghiệp tinh gọn đã gói trong mình tinh thần quản trị linh hoạt, để cho phép việc phát triển sản phẩm có thể đồng bộ với việc phát triển khách hàng và thị trường.
Cho tới nay, phương pháp quản trị linh hoạt và khởi nghiệp tinh gọn đã mang lại nhiều cơ hội thành công cho các startup trên toàn cầu, nhưng nhiều startup tại Việt Nam còn tương đối e dè, một phần vì chưa tiếp cận được thông tin, một phần vì mải quan tâm tới sản phẩm hoặc bán hàng mà ít dám thử những phương thức quản trị kiểu mới. Tôi cho đó là một sự lãng phí cơ hội đáng kể.
Dương Trọng Tấn.
(Bài đăng KhoiNghiepSangTao.vn)