Gần đây có vài bạn hỏi tôi “Có cách nào làm việc với người mình không thích không hả anh?”
Thực ra bạn đã hỏi được câu hỏi này là đã gần ra đáp án rồi. Nhiều người thậm chí còn không đặt được câu hỏi ấy. Mặc nhiên không thèm làm việc với người mình không thích. Lại còn phản đối ra mặt. Làm ảnh hưởng tới việc chung, và cũng tự mình làm mất đi chút uy tín cá nhân.

professional
be professional


Được làm việc với “cạ cứng” thì thích quá. Nhưng thực tế là ta hay phải làm việc những người không giống mình, đôi khi mình lại không ưa. Làm thế nào để cảm giác không tích cực về người cộng tác không ảnh hưởng đến kết quả công việc? 
Đặt câu hỏi kể trên cho Google, ta sẽ ra được vài gợi ý hữu ích. 
Mark Nevins có viết một bài trên Harvard Business Review từ 2018, với các lời khuyên: 

  • Phản tư (reflect) xem nguyên nhân của cảm giác ở đâu ra và cách mình phản hồi với nó. Hiểu mình đã. 
  • Cố mà hiểu cho kĩ quan điểm, lập trường và góc nhìn của người đó. Hiểu “đối phương” rồi có ứng xử phù hợp.
  • Tập trung vào giải quyết vấn đề, đừng tập trung vào chỉ trích hay cạnh tranh. 
  • Hỏi nhiều câu hỏi vào. Có thể xếp kế hoạch của mình lại cái đã. Quan tâm tới đối phương, tạo điều kiện cho tương tác và hiểu nhau.  
  • Cải thiện sự chú ý tới sự khách biệt về “phong cách tương tác”. Mọi người có cách tương tác không giống nhau. Đừng “bắt người khác phải giống mình” hay “phải theo cách của mình”. 
  • Nhờ người đối phương giúp đỡ. Điều này có thể cải thiện mối quan hệ. 

Dianna Booher gợi ý 4 cách hơi khác, có vẻ ít đòi hỏi “tự giác” hơn, trên Forbes

  • Tìm hiểu quan điểm khách quan trong mỗi vấn đề 
  • Tự kiểm duyệt các từ ngữ dễ dẫn đến xung đột mỗi khi giao tiếp (email/message/trực tiếp). Có thể nhờ người khác giúp cho việc này. 
  • Hạn chế tiếp xúc tối đa
  • Ủy nhiệm cho một trung gian

Trong số các ý tưởng ở trên thì mẫu số chung là “hiểu mình, hiểu đối phương”, và sau đó là “phản ứng chậm lại”. Ta có thể tham khảo thêm “Tuyên ngôn Nghĩ chậm” để bổ sung những cách làm nhất quán:

Đặt câu hỏi trước khi trả lời,
Quan sát trước khi đánh giá,
Đổi góc nhìn trước khi nêu quan điểm,
Tự phản tỉnh trước khi phê bình.”

Chừng đó gợi ý có lẽ đã là đủ nhiều. Nếu phải rút gọn thành bộ “nguyên tắc” dẫn đường, tôi nghĩ, chỉ cần vận dụng thật khéo bốn điểm cuối cùng là được. Chắc chắn hữu ích.