Trở về từ buổi gặp mặt ScrumCoffee #1, đọc lại bài viết “Hãy tinh gọn trong công việc và cuộc sống” của chủ thớt FU Agile ở Hòa Lạc, Mr. Nguyễn Ngọc Anh, tôi chợt nhớ là phải viết cái gì đó đơn giản để ai đó cũng có thể làm được, giúp phần giảm đi những xì trét vì không thể kham nổi nhiều việc cùng một lúc.

Và đây sẽ là vệt bài về cách tạo ra các bảng công việc cá nhân (Personal Kanban – đây là phương pháp đơn giản lần đầu được để xuất bởi Jim Benson) sử dụng nguyên lí của Lean (tinh gọn) để quản lí công việc cá nhân. Đã có rất nhiều người làm thành công, và tôi mong muốn thật nhiều người thành công hơn nữa.

Ý tưởng rất đơn giản: Giới hạn khối lượng công việc (Limit Work-In-Progress) về khả năng của cá nhân (capacity), trực quan hóa đầu việc, và quản lí công việc theo luồng.

Bài 1 sẽ hướng dẫn bạn dùng mấy tờ giấy dán để làm một Kanban tại phòng làm việc, tại nhà hoặc trong một cuốn sổ ghi chép. Rất analog.

Bài 2 sẽ hướng dẫn bạn dùng một số công cụ số hóa để làm việc, dành cho những người bận rộn và hay làm việc di động

Bài 3 sẽ là một ý tưởng hơi “khùng khùng” một chút dành riêng các bạn lập trình viên

*****

Phần 1: Tạo Personal Kanban với giấy dán

Mời bạn xem hai cái Personal Kanban của hai người sau đây:

khoa-kanban

Kanban của một Giám đốc Đào tạo

Personal Kanban của một Lập Trình Viên - Sinh viên

Personal Kanban của một Lập Trình Viên – Sinh viên

Rất dễ làm phải không?

Tạo ra ba cột: Cần làm (ToDo), Đang làm(Doing) và Xong (Done).

Khi có việc cần làm (việc tự nghĩ ra, việc được giao…), ta viết vào tờ giấy dán và đặt vào ToDo trước, phân tích kĩ lưỡng nên làm ngay hay để làm sau. Việc này có bản chất là “lập kế hoạch”, sẽ giúp ta có được trình tự và cách làm công việc có bài bản hơn. Nhiều người bắt tay vào làm ngay việc được giao mà không suy nghĩ, tính toán. Đó không phải là chiến lược tốt. Nếu ta có thể xếp độ ưu tiên theo giá trị (cái nào có giá trị thì làm trước), thì ta có thể mất ít công sức hơn mà làm được nhiều giá trị hơn (sử dụng quy tắc Pareto, 80-20).

Khi quyết định làm việc gì, ta sẽ chuyển công việc sang cột Doing. Có thể ghi ngày giờ bắt đầu làm lên giấy.  Giới hạn số lượng thẻ ở cột này (ví dụ 3). Đừng để nhiều, vì nó sẽ khiển bạn phải nhảy từ công việc nọ sang công việc kia (task-switching), là nguồn cơn của thiếu hiệu quả và xì-trét. Con số 3 hay năm tùy thuộc giới hạn khả năng của từng người, chỉ bạn mới biết được. Khi bạn đặt con số 5 và thấy bắt đầu rối tung lên thì chắc là phải giới hạn con số đó xuống 4. Thực hiện trong một tuần rồi đánh giá lại con số đó. Qua một hai tuần ta sẽ có con số hợp lí. Nhưng khi khởi đầu, tôi gợi ý là nên để con số 3.

Khi làm xong việc gì thì đặt nó sang cột Done, có thể ghi ngày giờ kết thúc lên giấy để đánh giá về sau.

Việc đặt một công việc sang cột Done chứ không vứt đi sẽ giúp bạn nhìn thấy được tiến độ công việc, tạo giá trị thúc đẩy bản thân. Đó là giá trị của trực quan hóa (visualization).

Về tờ giấy dán, bạn có thể chọn nhiều màu, dùng nó tùy theo chủ ý. Ví dụ: các việc học tập để giấy xanh, các việc giấy tờ để giấy vàng, các việc liên quan đến khách hàng dùng giấy đỏ v.v. Tùy bạn. Nhưng hãy dùng có chủ ý. Việc này sẽ giúp cho bảng trực quan hơn, có sức sống hơn.

Bạn làm ngay được chứ?

Xin chào đón các góp ý và thảo luận của các bạn. Nếu thành công và có ích, nhắn lại cho tôi nhé 😉

Tiếp theo: Digital personal kanban,  Dán Kanban lên desktop