Trong buổi nói chuyện PMPTalks #3 sáng chủ nhật vừa rồi với các bác ở VietPMP, có một nhận định rất thú vị về Scrum management . Bác ấy (thật đáng tiếc là quên mất tên của bác, hình như bác Thắng) nhận thấy, Scrum tiếp cận management ở mức High-level, để từ đó tạo ra cơ hội tự do lựa chọn các biện pháp, phương thức quản lí cụ thể; do vậy nó rất linh hoạt.

Bác ấy là người mới nghe Scrum, mà đã có nhận định vô cùng sắc sảo như vậy. Thật khâm phục!

Hầu hết mọi người đều mong chờ Scrum là một silver bullet, hay ít ra là môt phương pháp đầy đủ chỉ cho nhà quản lí biết phải làm gì để thành công; một cái lí thuyết tốt là lí thuyết dễ áp dụng, thậm chí áp dụng máy móc vẫn được. Scrum rõ ràng không phải loại này rồi.

Craig Larman, tác giả của nhiều đầu sách nổi tiếng về Agile có dùng một từ rất đắt về Scrum: nó là một “silent framework”. Nó im lặng trong việc thể hiện các “điều cần làm”, “cách nên làm” đối với hầu hết các đầu việc trong phát triển phần mềm: từ thu nhận và phân tích, tài liệu hóa các yêu cầu, cho đến thiết kế, cài đặt và kiểm thử cũng vậy. Người dùng Scrum có quyền tối đa để lựa chọn các cách thức phù hợp. Về các practice, Scrum hầu như không nói gì cả.

Nó High-level như vậy đấy.

Là người dịch Scrum Guide ra tiếng Việt qua ba phiên bản, tôi đã trực tiếp thấy việc các tác giả SCrum đã cố gắng gỡ bỏ các yếu tố “mô tả” như thế nào khỏi đặc tả Scrum. Những “công cụ” và “kĩ thuật” rất tốt như “burndown\up chart”, “release planning” v.v. là những thứ rất lợi hại trong thực tiễn thi hành Agile\Scrum; nhưng không phải vì thế mà nó có chân trong Scrum Guide. Họ đã dỡ bỏ chúng đi để Scrum framework ngày càng trở nên đơn giản, ngày càng “lặng lẽ” hơn.

Cũng chính vì sự lặng lẽ vậy mà Scrum trở nên linh hoạt và thành công, bởi lẽ nhờ đó, người dùng có cơ hội thử, rồi kiểm nghiệm cách thức phù hợp nhất với họ. Có nhóm sẽ thấy User Story rất hữu ích, nhưng có công ty  thấy use case mới phù hợp v.v. Đây là tinh thần thực nghiệm (empirical) vốn là nền tảng cơ bản của Scrum. Phải dựa trên điều kiện thực tiễn ta mới biết được nên làm như thế nào tiếp theo. Scrum không mô tả trước (prescriptive) điều gì, mà để rộng cửa cho người dùng bồi da đắp thịt vào một cái khung sườn tuy đơn giản mà vững chắc. Cùng với ba chân (Minh bạch, Thanh tra, Thích nghi) hỗ trợ đắc lực cho tiến trình quản lí thực nghiệm (empirical process control), cái khung Scrum như là một nền móng kiến trúc vững chắc cho các ngôi nhà quản lí hiệu quả trong thực tiễn.

Có thể chính sự im lặng đó là chất “vàng” đáng giá nhất của Scrum.

Written by Tấn Dương