Hồi còn bé tí, việc học của mình đối với gia đình nói chung là không phải là vấn đề gì to tát. Đầu lớp Một, mẹ đưa con đến trường, nói “trăm sự nhờ cô”, thế là cả một cấp học chả phải làm gì thêm đáng kể. Mẹ cũng chẳng phải họp phụ huynh làm gì cho mệt, cũng chẳng đòi hỏi gì, chẳng phải kiến nghị ai. Nông dân mà. Giản tiện, tin cậy, yên bình. Cả làng có khi cũng vậy cả.

Nhớn lên là phải thay mẹ đi họp phụ huynh cho các em, nói chung cũng đơn giản thế thôi.

front-2

Rồi thì sinh Sun rồi lại sinh Mun, trước đó là bảo trợ cô em cậu học cấp ba một một trường tư nổi tiếng. Tất nhiên là lại phải đi họp phụ huynh, nhưng mà sao phức tộp quá! Suốt ngần ấy lần đi họp, không thấy được khung cảnh yên bình và tin cậy nhau như vậy. Phụ huynh chiến với nhà trường, chiến với cô giáo, nhà trường chiến lại, các cháu méc phụ huynh, phụ huynh lại chiến tiếp. Chiến qua chiến lại, học sinh vẫn phải đi học, vẫn phải làm bài tập, vẫn phải lên lớp. Chỉ có tình cảm giữa phụ huynh và thầy cô là mất đi (không rõ là có hay không để mà mất). Kể cũng phí một loạt mối quan hệ.

Trở lại chuyện cũ. Ngày xưa mình đi học cảm thấy sướng lắm. Cô giáo không giỏi đột xuất, thầy giáo không siêu phàm nhưng tình cảm thầy trò thì hồn nhiên bền vững lắm. Tết nhất, thằng học trò nông dân là mình đây rất được bố mẹ ủng hộ để mang chút quà nhà nông biếu thầy cô ăn Tết: vài quả cam Hà Giang nhà được biếu, nay đi chia sẻ lại; vài cái súp lơ vốn mới hái từ ruộng nhà vốn được coi là “đặc sản” cả làng không ai trồng; vân vân. Thành lệ, đến mức khi đã sinh viên ở Hà Nội, mẹ vẫn còn nhắc khi Tết đến, “năm nay có biếu thầy cô không”. Cả đời học sinh không thấy bố mẹ phải phàn nàn gì nhà trường. Và mình thì cũng vậy. Nhớ về trường là nhớ về toàn chuyện hay ho đáng nhớ.

Nay ở thành thị thì khác lắm. Chiến nhau luôn luôn. Thầy cô ở trường tư và phụ huynh nằm ở hai bên chiến tuyến.

Nhớ chuyện cũ, kể cũng tiêng tiếc một cái không khí đã tuyệt chủng.

Hay là mình lẩm cẩm?