Nói về hiện trạng giáo dục của đơn vị, nhiều nhân viên đổ lỗi cho lãnh đạo: Đòi hỏi nhiều mà không chịu chi tiền.
Đề cập về nguồn lực hiện tại, lãnh đạo lại nói: Tiền không thiếu, nhưng nhân lực mỏng lại yếu, không đủ chuẩn.
***
Hỏi nhân viên: vậy phải làm gì?
Nhân viên: Phải làm lại từ đầu, đổ tiền đầu tư.
Hỏi tiếp: Thế bỏ hết những gì anh đang làm à?
Nhân viên: không bỏ được. Vì có đập đi làm lại thì cũng phải sang năm.
Hỏi: Thế giả sử cho anh một đống tiền, anh chi vào đâu trước hết?
Nhân viên: Tôi không biết. Đó là việc của lãnh đạo.
***
Hỏi lãnh đạo: Thế làm thế nào, có loại người không đủ chuẩn đi được không?
Lãnh đạo: nói đuổi thì dễ, nhưng làm thì không khả thi, kiếm đâu ra người. Mà có phải nói đuổi là đuổi được ngay đâu.
Hỏi tiếp: Thế làm thế nào để đủ chuẩn?
Lãnh đạo: Cho đi đào tạo.
Hỏi: Huấn luyện có đủ chuẩn ngay được không? Hay chỉ đủ “chứng chỉ” thôi?
Lãnh đạo: Kinh nghiệm cho thấy là chỉ được cái chứng chỉ, hợp thức hóa, còn đâu lại hoàn đấy. Vì kĩ năng không đến sau một đêm. Cải thiện được đôi chút, nhưng vẫn không thể đủ chuẩn, trừ phi đầu tư lớn cho đào tạo. Nhưng chi lớn như thế thì chết đói mất.
Hỏi: vậy phải chăng khái niệm “Không đủ chuẩn” là có vấn đề?
Lãnh đạo: Có lẽ là như vậy. Để bắt đầu công việc không thể cứ nghĩ phải bỏ hết, phải nâng cấp ngay lập tức. Cuộc sống diễn ra ngay ở đây và bây giờ, chứ không ở trên mây hay chỗ nào khác. Mọi tính toán của ta cũng phải cho việc ở đây, ở thì hiện tại tiếp diễn, chứ không thể khác được.