8. Phít bách

Ở Việt Nam, Aptech có lẽ là đơn vị tiên phong (từ 1999) đưa việc đánh giá giáo viên vào quy trình đào tạo của mình. Nét dân chủ khá hiển nhiên này đến bây giờ vẫn chưa thực sự phổ biến tại các trường đại học ở Việt Nam vì các ngài quản lí giáo dục ở đó còn bận tranh cãi, các vị giáo sư thì sợ mình mất thiêng. Cái điểm điểm feedback (GPA=Grade Point Average) cho biết sinh viên đang cảm thấy thế nào sau khi thụ hưởng những “dịch vụ” cung cấp bởi trung tâm thông qua các đại sứ của đơn vị cung cấp dịch vụ là “ông giáo sư”.

Ai nhận GPA kém đều có một cảm giác rất khó chịu vì biết là sinh viên không “hài lòng” về điểm gì đó của mình: thầy không chịu khó trả lời, thầy hay đi muộn, thầy giấu nghề, thầy nói khó hiểu v.v. Sau giây phút khó chịu ấy, ai nấy đều phải tìm hiểu kĩ, sửa mình để mình có thể tiếp tục “cộng tác” với sinh viên hòng làm cho quá trình “dạy – học” nó diễn ra suôn sẻ hơn. Cho nên cái “gai trong mắt” đó thực chất là một “áp lực tích cực” cho đội ngũ giảng dạy. Đến nay, mọi người đều nghĩ rằng mình không thể giảng dạy nghiêm chỉnh mà thiếu cái “anh” GPA này được.

Năm ấy, mình cũng bị GPA kém, mà không phải 1 cái, tận hai cái liên tiếp vào cùng một thời điểm, một lớp sáng, một lớp chiều. Bình thường điểm GPA rất cao, nên khi có cái sự lạ như thế, chị giáo vụ Hương Lờ Đờ lấy làm ái ngại và ngạc nhiên lắm. Mình vẫn nhớ cảnh chị rón rén cầm biểu mẫu “giải trình” sang bảo mình ghi vào đó lí do của việc để GPA thấp, không quên nói những câu an ủi vỗ về. Chắc cũng sợ đụng chạm tự ái, nên giáo vụ lúc nào cũng nhẹ nhàng như thế; chứ không dữ dằn như các thế hệ giáo vụ bây giờ (hehe). Chị bảo “chắc do thầy bận chuẩn bị lấy vợ, bỏ rơi các em nên chúng nó giận ấy mà, đừng lo quá”. Đúng là dạo ấy quay cuồng với vụ cưới vợ thuê nhà nên ít quan tâm tới sinh viên, dạy dỗ có phần chểnh mảng thật. Đấy cũng là lần duy nhất  mình “dính” GPA dưới chuẩn, tính tới lúc viết những dòng này. Sau này mình không phải bối rối thêm lần nào nữa vì có thể làm việc chuyên nghiệp hơn, không để “tình riêng” can thiệp sâu vào công việc. Mặc dù sai lầm khi đứng lớp thì cũng vấp phải nhiều, nhưng hầu như không lần nào nghiêm trọng như lần ấy để đến nỗi sinh viên phải phê bình cực lực như thế. Kể cũng là may mắn.