1.
Được gọi đặc cách vào làm giảng viên, mình bảo “em không thích dạy học lắm”. Chuẩn bị đâm đơn sang FSOFT rồi nên không nghĩ tới việc dạy.
Một tháng sau đổi ý, đi thi đấu như bình thường, thi ba lấy hai. Sếp nhận mình nói nhỏ “chú hơi đuối”.
2.
Gọi lên giao việc, sếp bảo “có hai lớp, chú dạy một lớp được không?”. “Được ạ”.
Lúc ra về, hỏi lại sếp “lớp kia nhận nốt được không ạ?”. “Chú có xua (sure) không?”. “Sure”. “Thế thì để cho chú làm nốt”. Ấn tượng về tinh thần FPT nó là đơn giản thế thôi. Cũng chẳng có gì là sâu sắc.
Ngày ấy nhằm tháng 8 năm 2004.
3.
Cái sướng nhất khi làm ở Yết Kiêu là sáng nào cũng được ngồi như ông cụ, uống trà, đọc báo mới trước khi vào lớp dạy. Cả trung tâm mình thường là người hưởng đầu tiên vì đến sớm nhất. Hôm nào tới phòng chờ cũng thấy trà đã được hãm, báo mới đã đục lỗ sẵn sàng trên giá. Sau này mới ngấm chuyện “tạp vụ” này thực sự quan trọng trong việc nuôi dưỡng hưng phấn làm việc của cả nhà. Chính chị Tạp vụ đã dạy cho mình bài học về tính chuyên nghiệp và lòng yêu công việc; không phải Sếp.
4.
Ai dạy học ở đây cũng phải kinh qua một thời gian dài “ăn cơm như nhai rạ”. Dạy học giờ M đến chín rưỡi tối, về nhà đã hơn mười giờ, cơm nguội ngắt, ngồi một mình. Rạ cũng phải nhai, không thì sáng hôm sau lấy hơi đâu mà nói. Dạy học giờ M là nỗi kinh hoàng của các bà vợ chờ chồng, nỗi kinh hoàng của các cô giáo có con nhỏ. Nhưng nay không ai phải dạy giờ M nữa thì lại lo chết đói. Cuộc sống nó thế mà.
Thế mà có người như GS Trí, mười năm liên tục chưa bao giờ không dạy giờ M.
5.
Làm giáo viên ở đây sợ nhất là bị phụ huynh đòi gặp để tặng quà. Chuyện này cực kì hiếm khi xảy ra nên hầu như ai cũng không có kinh nghiệm từ chối. Có bà mẹ học viên hành nghề buôn vải tích cực quá đòi tặng tất cả các cô giáo mỗi người một miếng may áo. Cả nhà ngồi nhìn nhau ngơ ngác không biết làm gì, đành đá bóng nhờ các cô giáo vụ trả giúp.
Có lần một ông bố kéo mình ra góc tối dúi cho cái phong bì. Đẩy qua đẩy lại vài lần mình dứt khoát từ chối rồi bỏ chạy như ma đuổi. Ông bác này lại là nhân viên FPT, làm bảo vệ cho cửa hàng điện thoại Motorolla độc quyền trên phố Trần Hưng Đạo. Đấy là lần đầu tiên và duy nhất. Sau này rút kinh nghiệm, mình không cho phụ huynh nào số điện thoại riêng. Mọi việc xin mời qua trung tâm. Thế là yên từ đấy.