Việc gì sếp giao bạn cũng hoàn thành. Như thế cũng gọi là tốt. Nhưng thế thôi chưa đủ đâu :-).
Tiền đồ của công ty còn phụ thuộc nhiều vào tốc độ bạn hoàn thành nhiệm vụ, năng suất của bạn và thêm vài chuyện quan trọng nữa.
Như tôi quan sát thấy thì phải đến tám chín phần nhân viên ít để ý đến năng suất của bản thân, mười ông sếp thì cũng dăm bảy ông chẳng thèm biết năng suất nó là cái gì. Đó là một sự thật phũ phàng đáng ngạc nhiên.
Vậy năng suất là gì? Kinh tế học thì bảo là tỉ số giữa Output và Input hehe. Nói cho đơn giản thì năng suất là khi bạn có thể làm ra nhiều “sản phẩm” hơn trong cùng một thời gian và điều kiện làm việc. “Sản phẩm” nói tới ở đây là một cái gì đó mang lại giá trị, một việc hoàn thành mà không cần phải mó tay làm lại nữa, một sản phẩm dùng được,… Nhiều người không để ý điều này nên chỉ hoàn thành rất nhiều việc là những “tác vụ”, những việc “cơ học” thuần túy mà chưa ra kết quả cuối cùng, là những việc “nửa chừng” mà không đi đến nơi đến chốn. Họ có thể chăm chỉ lắm, làm việc nhiều hơn 8 tiếng mỗi ngày cho công ty nhưng kết quả thì không được bao nhiêu. Điều đáng ngại hơn là họ không tự ý thức được rằng họ đang rất thiếu năng suất. Họ không biết rằng người ta khuyên nhau “work smarter, not harder”, thực ra là khuyên làm việc năng suất hơn, chứ không phải là khuyên lười đi.
Năng suất quan trọng như thế nào? Nghe đâu ông Krugman, người đạt giải Nobel kinh tế từng phát biểu “Năng suất không phải là tất cả nhưng về lâu về dài thì nó gần như là tất cả”. Những thứ trên đời mà thuộc loại “gần như là tất cả” hiếm lắm.
Thử tưởng tượng. Nếu trong cùng một ngày, bạn làm được 3 cái báo cáo thị trường có giá trị và quan trọng cho sếp, thay vì chỉ hoàn thành được 1, thì sẽ ra sao? Hoặc nếu bạn lập trình một tháng thêm được vài trăm nghìn dòng mã lệnh nữa thì sao? Nhiều khả năng là tiến độ công việc sẽ nhanh lên trông thấy, công ty sẽ bán được nhiều hàng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn. Nếu bạn có cách làm ổn định lặp lại được, thì có nghĩa là trong điều kiện nào đó bạn lại không muốn “sản xuất” nhiều thêm nữa (để đến mức dư thừa không cần thiết), thì nếu bạn có thể năng suất hơn, đồng nghĩa với việc bạn có nhiều thời gian rảnh hơn để đầu tư vào những việc có ý nghĩa như học thêm một kiến thức mới, hoặc thử nghiệm với một dự án bên lề.
Có thể thấy tăng năng suất là một cái sự tăng mang tính quyết định tới kết quả của cá nhân và công ty.
Bạn mến, hãy kiểm đếm xem một ngày bạn “hoàn thành” bao nhiêu việc. Đừng quan tâm xem bạn đã bỏ ra bao nhiêu thời gian cho việc gì (giả sử bạn nghiêm túc thì con số đó ai chả biết? 8h/ngày), mà là đã thực sự “hoàn thành” bao nhiêu việc, đưa ra được bao nhiêu output. Công tác kiểm đếm đó không khác là bao so với việc các bà bán hàng khoai lang nướng dạo kiểm đếm hằng ngày, hay những anh bán kem đếm xem hôm nay bán được bao nhiêu que, hay các cô tín dụng ngân hàng kiểm kê hôm nay hoàn tất bao nhiêu giao dịch với tổng giá trị bao nhiêu tỉ đồng.
Có hàng tá phương pháp, kĩ thuật, công cụ và sách vở để giúp bạn tăng năng suất. Thị trường Productivity là một thì trường khổng lồ hàng trăm tỉ đô. Ngay cả cái phần mềm Office mà chúng ta hay dùng đấy, khởi thủy nó giải quyết vấn đề năng suất, và cả cái gói phần mềm trứ anh ấy còn có một cái tên khác để gọi: Productivity Suite. Nào là “Getting things done”, “Personal Kanban“, Pomodoro, “SMART”, Ưu tiên hóa Eiseinhower, Kaizen, loại bỏ lãng phí… Tuy thế, tôi cá là bạn chỉ thực sự hiểu được và vận dụng được những phương pháp đó khi bạn trân quý thời gian vàng bạc của mình và của công ty, lo lắng cho tương lai của công ty mà tìm các phương thức cải thiện, để không lãng phí một phút giây làm việc nào.