Trong sách “Tư duy duy 1 phút” của tác giả người Nhật Takashi Ishii có nêu một tình huống rất thú vị về cách nhìn sự việc. Cùng đứng một chỗ, nhưng nhìn lên thì thấy khó, nhìn xuống thấy cả một con đường rộng mở.
Tác giả, vốn là một phát thanh viên vài năm kinh nghiệm ở một hãng radio lớn của Nhật, dù rất cố gắng nhưng nhìn thấy con đường phát triển phía trước của mình rất gồ ghề vì để thăng tiến cần phải nỗ lực hết sức để leo lên trên cái thang nghề nghiệp ở đài. Phía trước là hàng loạt cây đa cây đề có nhiều kinh nghiệm hơn, tài giỏi hơn, vào đài trước mình. Nhìn theo hướng ấy thì toàn thấy khó khăn, thấy nản lòng ghê gớm. Trong khi nhìn theo hướng khác  thì lại thấy mình “giỏi” hơn rất nhiều người khác. Ngoài kia có rất nhiều người đang muốn xin việc vào nhà đài, cũng lúng túng y như mình hai ba năm trước. Ông bèn nghĩ “tại sao mình không mở dịch vụ dạy họ cách thi tuyển vào nhà đài?” Thế là ông có một công ty.
Tác giả dặn độc giả rằng, tư duy kiển nhìn lên thì không thấy cơ hội kinh doanh, còn tư duy nhìn xuống thì sẽ thấy toàn là cơ hội. Và, chỉ cần tìm được một khách hàng là đã có thể bắt đầu được rồi. Nhìn lên thì chán chẳng muốn làm gì, nhìn xuống thì khí thế bừng bừng, tạo ra ngay giá trị mới. Nhìn lên thì cả đời thấy mình chen chúc, nhìn xuống con đường rộng mở thênh thang. Mới chỉ đổi hướng nhìn thôi, mà đầu óc đã rộng mở ghê ghớm.
Đây chẳng phải là “growth mindset” ư?
Chẳng phải là “entrepreneurial mindset” ư?
Chẳng phải là “suy nghĩ khác biệt” ư?
Và như thế, chẳng phải là người ta luôn có cơ hội trong tự do lựa chọn con đường đi của mình ư?