Trong lớp học NeoManager, nhiều học viên là các nhà quản lí không khỏi ngạc nhiên trước trải nghiệm tri thức tuyệt vời mà hoạt động reflection (phản tỉnh) mang lại. Có vài vị hỏi có bí kíp nào đặc biệt gì không, căn cứ nào để “bịa” ra hoạt động học tập tuyệt vời này. Chìa khóa ở đây chính là đường lối học tập trải nghiệm dựa trên sự phản tỉnh có chủ đích (reflective learning).
Có thể nói gần đúng đây là cách học của Phật, của Khổng Tử, của Lão Tử. Bằng cách quan sát thân/tâm/sự việc/vạn vật và tự rút ra bài học, rồi lại đối chiếu, chỉnh sửa và tiếp tục cải thiện sự hiểu biết thông qua thực hành để đạt được sự sáng suốt (wisdom) qua thời gian. Truyền thống học tập dựa trên kinh nghiệm và chiêm nghiệm này tiếp tục được truyền dạy cho đến ngày nay. Như trong các sách do Inamori Kazuo viết đã nhấn mạnh một “nguyên lí” để tu thân: phản tỉnh mỗi ngày. Tính ra, truyền thống này đã hơn 2500 năm rồi.
Trong triết học phương Tây hiện đại, truyền thống về tri thức luận dựa theo kinh nghiệm (empiricism – duy nghiệm luận) là một trào lưu lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ với đại diện là các nhà triết học vĩ đại như John Locke, Davi Hume, Goerge Berkeley. Theo họ, kinh nghiệm chính là nguồn gốc của tri thức. Thao tác để đạt được tri thức thông qua kinh nghiệm chính là quá trình “đúc rút” từ trải nghiệm thực tiễn, hoặc “mô hình hóa từ thực tiễn”. Thế kỉ 20, triết gia John Dewey, một đại diện hiện đại của trường phái duy nghiệm, đã đồng khai sinh trường phái constructivism (kiến tạo luận) trong tri thức luận và trong thực hành giáo dục, cùng với những nhà giáo dục trứ danh Maria Montessori, Jean Piaget, Lev Vygotsky. Đặc biệt, những người như Piaget, Vygotsky là những nhà tâm lí học lớn đã có những khám phá lớn về cách học và phát triển của con người dựa trên cách tiếp cận khoa học về tâm lí. Những nhà tư tưởng này vẽ ra được mối liên kết giữa trải nghiệm, sự tạo ra biểu tượng trong đầu, sự điều chỉnh hiểu biết trong đầu sau khi “va đập với thực tiễn” và tự mình suy nghĩ. Sau này, nhà tâm lí David Kolb vẽ nên một sơ đồ giúp ta hiểu được phần nào mối liên hệ này thông qua 4 bước mà lớp học NeoManager đã vận dụng: Experience (Trải nghiệm)>Reflection(Phản tỉnh)>Conceptualization(Khái niệm hóa)> Experimentation (Thử nghiệm tích cực). Bạn có thể đọc thêm bài viết trên trang blog này để hiểu rõ hơn về chu trình học tập Kolb.
Có thể thấy trong lĩnh vực đào tạo người lớn, thì reflective learning có truyền thống lâu đời và phổ biến, có lẽ cũng gần bằng với truyền thống giáo dục. Trong lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn thì hình thức học tập này càng phổ biến. Mỗi nơi có thể có cách vận dụng khác nhau, nhưng nó vẫn đại khái như trong cái logic như Kolb vẽ ra.
Người theo học lớp NeoManager, được tập luyện hai thứ: Thứ nhất là một thói quen phản tỉnh. Cứ làm là nghĩ, cứ đọc là có chiêm nghiệm (gọi là đọc sâu). Cứ có nghĩ thì có thu hoạch bằng viết reflection. Cái thứ hai là cách thức phản tỉnh. Cách đó cơ bản là vận dụng Kolb cộng với những gợi ý để mỗi người biết cách móc nối các dữ liệu/ý tưởng trong-ngoài với nhau, để tìm ra được ý nghĩa mới. Trong quá trình phản tỉnh (khi đọc sách hoặc vận dụng tri thức vào cuộc sống dưới dạng các thử nghiệm tích cực), thì người học được tập luyện kĩ năng tư duy phản biện (critical thinking), nhấn mạnh tới lập luận, tới cảm nhận (make sense) và sự hoài nghi. Qua đó rèn luyện khả năng tư duy và tự mình nâng cao trình độ qua thời gian. Nếu đảm bảo được hai thứ này, chắc chắn việc học sẽ có tiến bộ, và bản thân mình sẽ cảm nhận được sự chuyển hóa tích cực.