Thời chiến, thanh niên phải xếp bút nghiên theo việc binh đao. Xong việc, họ phải qua các lớp bổ túc văn hóa để hoàn thiện tri thức phổ thông, tiếp tục tham gia đầy đủ vào xã hội với tư cách công dân và làm nghề. Nhiều chương trình bổ túc kiến thức như thế đã diễn ra trong nhiều lĩnh vực, được thực hiện tập trung hóa nhờ vào nhà nước.

Thời nay, không nhà nước nào lo nổi nhiệm vụ to tát như thế nữa. Việc bổ túc văn hóa thực tế đã trở thành nhu cầu bức thiết đối với hầu hết các lĩnh vực, và nó diễn ra thường xuyên với quy mô rộng lớn hơn do sự biến động của môi trường, xã hội, kinh tế và công nghệ. Người ta vẫn cần bổ túc tri thức để kiếm sống, để phát triển, để hòa nhập, hoặc chí ít là để mình không bị đẩy ra rìa do mất đi tính phù hợp.

Từ đó, việc bổ túc chuyển sang dạng tự bổ túc thông qua sách vở, qua các nguồn thông tin phong phú trên Internet; hoặc thông qua các cơ sở giáo dục đào tạo thường xuyên ngoài chính quy (gọi chung là giáo dục phi quan phương).
Không cứ gì người ít học, kể cả một thạc sĩ đã tốt nghiệp mười năm trước nếu không tự bổ túc, thì sẽ thành người lạc hậu. Không khéo chính những người thành đạt do thành công nhờ các công việc chuyên môn lại thành những người dễ lạc hậu với thời cuộc nhất, nếu như trong suốt thời gian đó anh ta không tự bổ túc cho chính mình những tri thức nền tảng ngoài chuyên môn hẹp để hành nghề.

VUCA
Tranh do AI của Microsoft tạo ra.

Ngày trước bổ túc văn hóa diễn ra một lần; ngày nay phải là học tập suốt đời – diễn ra liên tục không ngừng nghỉ cho tới khi không còn làm việc nữa. Sự học là không giới hạn, cả theo chiều thời gian và phổ kiến thức. Một người trưởng thành ngày nay, nhất là những người đang gánh vác những nhiệm vụ quan trọng, các giám đốc đời mới, các nhà quản lí, các nhà giáo, lãnh đạo cấp cao… đều phải nạp vào và vận dụng tri thức, phải làm việc thường xuyên với con người, với các mối quan hệ xã hội, với đổi mới sáng tạo, với các vấn đề đạo đức, với công việc lãnh đạo… Vài năm lại một thế hệ công nghệ mới. Kinh tế tăng trưởng nhanh chóng, cứ một thập kỉ hiện trạng kinh tế – xã hội lại có sự chuyển biến căn cơ mà người nhìn lại có thể không còn nhận ra dấu vết cũ. Môi trường tự nhiên và xã hội ngày càng biến động, và khó đoán định. Học tập hiệu quả và tốc độ ở trình độ cao ngày càng trở thành kĩ năng sinh tồn của số đông, không còn là đặc tuyển của một số ít tinh hoa nữa.

Thực tế của thời đại tri thức ngày nay đòi hỏi mỗi người phải có hiểu biết ngày càng tốt hơn về bản thân, con người, các tổ chức, xã hội, kinh tế, chính trị, công nghệ… Do vậy, một người lao động tri thức nghiêm túc không thể chối từ một lối sống mà học tập suốt đời trở nên thành phần cơ hữu của đời sống hiện đại. Đó cũng là một tiên đề của giáo dục khai phóng đương đại.

Written by Tấn Dương