Chủ nghĩa tư bản đại đồng (Stakeholder Capitalism) và Chủ nghĩa tư bản ý thức (Conscious Capitalism) đều nhấn mạnh việc doanh nghiệp nên hoạt động một cách đạo đức, trách nhiệm và tạo ra lợi ích cho tất cả các bên liên quan (bao gồm nhân viên, khách hàng, nhà cung cấp, cộng đồng, môi trường và hơn thế nữa). Cái sau dường như cụ thể hơn cái trước, vì nó còn đề cập tới leadership, các mục đích cao cả và một văn hóa có trách nhiệm với các bên liên quan.
WEF định ra Stakeholder Capitalism Metrics gồm vài chục tiêu chí và chỉ số gom lại trong bốn chủ đề nguyên tắc quản trị, hành tinh, con người và thịnh vượng. Các chỉ số này giúp các công ty đo lường, quản lý và tiết lộ hiệu quả về tác động của họ đối với các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị (ESG) một cách hiệu quả. việc áp dụng Stakeholder Capitalism Metrics có thể đòi hỏi các công ty phải đầu tư thêm vào các hoạt động như cải thiện điều kiện làm việc, giảm tác động môi trường, và thực hiện các hoạt động tạo lợi ích cho cộng đồng. Những đầu tư này có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận ngắn hạn, nhưng lại tạo ra giá trị bền vững lâu dài cho doanh nghiệp và tất cả các bên liên quan. Ngược lại, truyền thống chủ nghĩa tư bản cổ đông (Shareholder Capitalism) thiên vị những người nắm giữ cổ phần của doanh nghiệp, luôn tìm kiếm lợi nhuận tối đa cho những người chủ của công ty. Tuy là “dòng chính” trong tư duy về kinh doanh, nhưng không có nghĩa là chủ nghĩa tư bản ý thức xuất hiện rất muộn và mới chỉ xuất hiện trong thời gian gần đây.

Ví dụ cho nhà tư bản ý thức có thể tìm thấy ở Nhật Bản từ thế kỉ 19. Ông Shibusawa Eiichi, gương mặt trên tờ 1000 Yên Nhật, cha đẻ của chủ nghĩa tư bản Nhật, người góp phần sáng lập của gần 500 công ty Nhật Bản, nỗ lực xiển dương đạo đức trong kinh doanh. Người sửa lại cách hiểu Luận ngữ của Khổng Tử cho giới làm ăn đưa ra hình ảnh lí tưởng của doanh nhân như sau:

“Một người dành hết tâm trí cho các vấn đề tài chính hoặc thương mại mà bỏ qua sự phát triển về mặt tinh thần trong bản chất của mình, sẽ không thể trở thành con người lý tưởng. Chính người lý tưởng là mẫu người mà nhà nước mới đòi hỏi từ công dân hoặc thần dân của mình, bởi vì một cộng đồng càng có nhiều những con người hoàn hảo hơn thì nó càng hoàn hảo hơn. Một doanh nhân lý tưởng là người có thể kết hợp vật chất với tinh thần, là người có lý thuyết sống của anh ta và nỗ lực đưa lý thuyết đó vào thực tiễn. Khi một người được dẫn dắt bởi một niềm tin tinh thần hướng tới việc đạt được một đối tượng vật chất, anh ta sẽ vượt qua những trở ngại một cách dễ dàng hơn và với sự nhiệt tình hơn là nếu chỉ được hướng dẫn bởi những ham muốn vật chất thuần túy.”[1]

Phát biểu của Shibusawa tại Golden Gate Hall, San Francisco, 1909

Một người khác, gần chúng ta hơn, doanh nhân Inamori Kazuo đặt ra nguyên tắc tối thượng có tính đạo đức “Sống sao cho ra một con người”, đưa ra nhiệm vụ của người lãnh đạo là phải “làm cho toàn bộ nhân viên trong công ty được hạnh phúc”, “thúc đẩy công ty phát triển và đóng góp vào sự tiến bộ của xã hội”. Một mạch chảy tư duy về ý thức trách nhiệm, đạo đức, và phát triển bền vững như thế chưa từng ngừng nghỉ ở Nhật Bản suốt từ Minh Trị Duy Tân tới nay.

Peter Drucker, “cha đẻ” quản trị hiện đại, khẳng định quản trị phải là một môn khai phóng (liberal art) và có chức năng xã hội (social function). Nhà quản trị, cùng với tổ chức của nó phải có trách nhiệm đối với xã hội, và có nghĩa vụ kiến tạo những tiến bộ xã hội. Về điểm này Drucker rất tương đồng với người đi trước ông là Shibusawa và những người tiếp nối là Inamori và những người khác.

Hiện nay trào lưu ESG bắt đầu được quan tâm, nối dài truyền thống tư duy của chủ nghĩa tư bản có đại đức từ thời Shibusawa, cho tới chủ nghĩa tư bản có ý thức và mệnh lệnh về trách nhiệm xã hội và sự phát triển bền vững. Có bằng chứng cho thấy theo đuổi chủ nghĩa tư bản ý thức thì mang đến sự phát triển tốt hơn cho doanh nghiệp xét theo nghĩa tài chính. Nhưng có lẽ cần hiểu rộng ra: Chủ nghĩa tư bản đại đồng, Chủ nghĩa tư bản ý thức, hay ESG có thể là một lựa chọn về lối sống, một lựa chọn về cách ta kiến tạo một thế giới đáng sống, hơn là một chủ thuyết quản trị lấy lợi nhuận làm trung tâm.

Ghi chú :

[1] Theo Thế giới kinh doanh hôm nay và triết lý của Shibusawa Eiichi, Nguyễn Xuân Xanh, từ rosetta.vn

Written by Tấn Dương