Tiếp nối Trường hè Tư duy mùa đầu tiên 2023, năm nay Trường hè chật ních khán phòng hơn 100 người tham dự, chương trình cũng dày dặn hơn năm ngoái. Nội dung trường hè tuy có cải tiến đáng kể, giảng viên cũng đổi mới trên 50%, nhưng cấu trúc vẫn giữ nguyên: Đặt các chuyên gia hay và giỏi ở những lĩnh vực tương đối khác nhau vào trong cùng một chương trình. Ở đây tổ chức cho mọi người tiếp cận thực tại hỗn độn theo một cách rộng mở, không định kiến; học từ những cách tư duy khác nhau.

Khi khai mạc trường hè, tôi gửi gắm tới cử tọa “hãy tìm ra sự kết nối”, connecting the dots.

Một sinh viên năm thứ nhất tên Nhật Anh còn chưa học giờ nào ở giảng đường đại học phản hồi nhanh tại chỗ khi bế mạc: Cháu thấy liên kết rất rõ ràng; từ việc hiểu địa chính trị để thấy được tình hình chiến tranh, sự hỗn loạn của thế giới, cho đến tình trạng công nghệ hóa, AI hóa đời sống tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng khiến sự khó đoán và bất an tăng thêm; cộng với nó là vấn đề toàn cầu về biến đổi khí hậu đẩy trái đất nói chung và mỗi người nói riêng vào một thách thức chưa từng có ; đến mức người ta còn sợ lấy vợ , hay thế hệ bọn cháu còn không thể mua được nhà – một thế hệ đầu tiên trong lịch sử loài người lại; cháu cũng thấy từ đó những cơ hội của các cô chú làm doanh nghiệp về thị trường carbon; những đòi hỏi phải rèn luyện tư duy linh hoạt chứ không được đông cứng; làm chủ tư duy kinh tế để chọn đúng mô hình ra quyết định hiệu quả; trong khi phải có hiểu biết về cảm xúc và sức khỏe tâm thần để đương đầu với sự hỗn loạn và bất định. Bên cạnh đó là biết nghe nhạc để phát triển tâm hồn.
Sau trường hè, người tham dự không chỉ cảm thán về một ấn tượng, mà còn tự tìm cho mình sợi dây chỉ đỏ kết nối các mẩu thông tin lại thành một câu chuyện có ý nghĩa với riêng mình. Có người chạm được vào một cách tiếp cận liên ngành về thực tại; từ đó nhìn rõ ràng hơn. Dư âm của trường hè chắc chắn còn kéo dài.

“Hữu ích, rộng mở, mới mẻ, thách thức người nghe, ngồn ngộn tri thức mới, một bữa tiệc tri thức thịnh soạn, mở rộng tư duy, mở rộng góc nhìn và tâm hồn, đi một ngày đàng học một tấn khôn…”

những tính từ toát lên từ hai ngày Trường hè Tư duy

Trong cái trại hè đặc biệt cho người lớn này có cả cử nhân kĩ sư bác sĩ tiến sĩ phó giáo sư; tôi tin là mỗi người có một cách kết nối nông sâu rộng hẹp khác nhau. Quá trình đó phải tự thân không ai làm thay được, và tự mình lấy về cho mình. Như nhạc sĩ Dương Thụ nói: thấp xuống để lấy về cho mình cao thêm; thấy thiếu để lấy về cho mình đủ thêm. Cũng không ai giống ai.

Đứng ở góc độ người bếp núc sự kiện, ý định của chúng tôi luôn mong muốn đưa ra một sợi dây. Mong manh thôi nhưng có ý tứ là rõ ràng. Nó là cái “biên bản” dự kiến cho bài học sẽ nảy nở trong đầu người tham dự sau khi tương tác với chuyên gia và bạn học trong cái tri trường ngắn mà cô đọng ấy. Sau khi trại hè xong, mỗi người một tí, nó làm ra một cái sợi dây như người ta có thể hình dung rõ ràng ra.

Sợi chỉ đỏ xuyên suốt Trường hè Tư duy có thể rất gần với phiên bản của anh chàng sinh viên năm nhất trên kia: Thế giới này đang bất định và khó lường, thách thức người ta hiểu nó. Người ta muốn nhìn rõ nó thì phải nhìn rộng ra xa, nhìn sang bên cạnh, nhìn vào trong để hiểu được thực tại ta đáng sống, để nghĩ cho sáng, rồi từ đó có căn cứ để làm việc cho tốt hơn, sáng tạo tốt hơn, và sống một cuộc đời đẹp hơn. Nhãn quan sử học cho ta cái nhìn xuyên không gian và thời gian, giúp ta nhìn ra sự thay đổi (vì nó là môn học nghiên cứu về sự thay đổi và chuyển dịch), nhìn các sự kiện dưới góc nhìn bao quát và chuyển động. Kinh tế học giúp ta cái nhìn bằng lí trí và mô hình để nhìn ra bản chất và lựa chọn tốt hơn trong mớ bùng nhùng dữ liệu. Âm nhạc giúp ta nhìn đời nhìn mình bằng cái tai, cả cái tai ngoài sinh-lý và tai bên trong – là tâm hồn; để cân bằng giữa hoang mang, bất định và hỗn loạn; để thấy được cái đẹp trong âm thanh, nhưng cũng là để học được quy luật của cái đẹp. Ta nhận ra hóa ra muốn thấy được cái đẹp không chỉ cần cảm xúc thuần túy, mà phải có hiểu biết và sự can dự sâu của nhận thức. Khoa học bền vững giúp ta nhìn thấy một viễn cảnh kết nối liên thông mọi thứ trên quả đất; con người và thiên nhiên không tách rời; những việc làm của ta đều để lại hệ quả gì đó; giữa mớ lộn xộn và sợ hãi ta nhìn thấy các kết nối nhân quả. Tâm lí học giúp ta nhìn vào những chi tiết của cảm xúc, suy nghĩ chính mình. Y khoa giúp ta có cái nhìn tổng thể về sức khỏe, không chỉ thể chất mà còn tâm thần và xã hội để sống khỏe hơn mỗi ngày; trong một thế giới thật hỗn loạn rất dễ đẩy người ta vào vòng xoáy của hoang mang, stress. Như thế tất cả trong một, khi đặt những khoa học riêng rẽ bên cạnh nhau, móc nối với nhau, trao đổi với nhau; ta dễ có được một cái nhìn rộng rãi hơn, sâu sắc hơn, rõ ràng hơn về thực tại. Thế là ta nghĩ sáng hơn, để mà mang cái nghĩ sáng đó vào đời sống để làm ngày càng tốt hơn công việc của mình, thực hành một lối sống đẹp đẽ hơn. Đấy chính là cách giáo dục khai phóng hoạt động.

Chương trình 2 ngày Trường hè

Với một người đã có trải nghiệm đủ lâu trong một lĩnh vực, chẳng hạn một kĩ sư 10 năm làm phần mềm, một giáo viên 10 năm chỉ chuyên tâm dạy Văn, một doanh nhân khởi nghiệp 10 năm chuyên chú bán hàng và quản trị, một chị kĩ sư hóa chất 15 năm kinh nghiệm…, thì việc bước chân khám phá các lĩnh vực mới lạ rõ ràng là một cuộc hành trình thú vị không kém một chuyến du lịch giàu trải nghiệm. Việc can dự vào các khoa học đa dạng, đặt chúng cạnh nhau để móc nối với nhau, vừa khuyến khích một tư duy đa ngành, liên ngành, vừa thúc đẩy một sự tò mò khám phá thêm, mở mang thêm nữa. Ta biết có những vùng quan trọng chưa được khám phá, mà những trải nghiệm vừa rồi chỉ là khởi đầu. Ta cũng biết rằng ngay cả những vùng ta đã khám phá ra rồi nhưng nếu có những sợi dây móc nối khác thì cái biết của ta cũng khác đi nhiều. Connecting the dots chính là như thế; là tạo ra những cái mới tinh từ những cái tưởng như đã cũ mèm không có gì mới.
Đầu óc ta như thế đã là sáng hơn một chút chút.

Written by Tấn Dương