Bạn bảo: Đọc nhiều chả phải tiêu chí, cái đáng quan tâm hơn cả là đọc cái gì.
Mình lại nghĩ hơi khác, đọc cái gì cũng chả đến mức quan trọng lắm. “Đọc thế nào” quan trọng hơn.
Cái này mình thử rồi. Mình mua khoảng hai tá “Khuyến học”, rồi đem tặng những người có dấu hiệu “mến sách”, và cả những “người thương” nữa. Phần lớn trong số họ đọc trong sự dửng dưng. Hầu hết trong số họ chẳng thèm bày tỏ điều gì. Có người còn chẳng thèm đọc. Một kinh điển mà lại bị đối xử tàn tệ như vậy, thì “đọc cái gì” phỏng có quá quan trọng?
Đành rằng, sách hay thì là rất quan trọng hehe.
Nhưng cách đối xử với sách mới là quan trọng hơn. Vì sách sẽ chết, dù hay đến mấy, nếu không được tương tác với người đọc. Nếu người đọc không chiều chuộng, nâng niu sách, hay chí ít là “làm bạn” bình thường với sách, thì sách không thể sống được.
Một số người chê thể loại self-help quá. Người ta sợ bạn đọc lầm đường lạc lối vì mấy thứ an thần khiến đầu óc mụ mị, dẫn người ta vào lối hoang tưởng. Đó là một thái độ đề phòng hơi cực đoan, và đánh giá hơi thấp người đọc.
Một người đọc có thể mang trong mình những lớp phù sa trải nghiệm được bồi đắp qua hàng thập kỉ, cũng có người thì rất “trong suốt” khi đến với sách. Họ sẽ tiếp cận sách theo những lớp nghĩa khác nhau. Thế nên người ta vẫn sẽ cứ tìm đọc Khổng Tử hay Thích Nhất Hạnh cũng như sẽ vẫn tìm Dale Carnegie hay Richard Branson để đọc và tìm thấy ý nghĩa từ câu chữ theo cách riêng.
Hôm nay ta đọc, mai mang ra đọc lại cũng đã thấy ý nghĩa khác.
Vậy há cứ phải tìm chỉ rặt những sách kinh điển?
Mình có một định nghĩa rất đơn giản về sách hay: Đó là sách mang lại ý nghĩa cho người đọc.
Mình có một tiên đề: Không có sách không hay, chỉ có người đọc không biết tìm ra ý nghĩa ở trong đó.
Bài khác: Đọc có chủ đích