Năng lực là gì?
Là khi bạn vận dụng được kiến thức hay kĩ năng để hoàn thành một công việc nào đó thật hiệu quả. Người có năng lực tức là phải làm tốt hơn người không có năng lực. Nôm na gọi competency là như thế.
Năng lực không tính đến chuyện tiềm năng. Người có kiến thức, hoặc thậm chí có kĩ năng vẫn chưa phải là có năng lực. Kiến thức chưa đem ra dùng thì chưa tạo ra khác biệt. Kĩ năng không có đất dụng võ thì cũng vẫn cứ nằm chết dí, chưa thể nói là có năng lực.
Qua thời gian, cả kiến thức lẫn kĩ năng có nguy cơ hao mòn. Một tháng không nhắc lại thì chữ bay chín phần mười, kĩ năng vài tháng không động đến thì đã lóng ngóng như kẻ bắt đầu.
Khi nói đến năng lực, tức là nói đến khả năng vận dụng. Thế thì nó có bối cảnh. Kĩ năng, kiến thức phải được vận dụng trong bối cảnh cho phép tạo ra kết quả vượt trội. Khi ấy năng lực mới nhìn thấy được. Khi ấy thì kiến thức mới sống động.
Giả sử tôi học Scrum từ năm ngoái, lấy được chứng chỉ CSM, xong rồi không làm ScrumMaster. Ai đánh giá được năng lực của tôi hiện nay ở mức nào không?
Tất nhiên năng lực không sinh ra từ chân không. Phải có kiến thức, kĩ năng, thái độ, và các thể loại phẩm chất khác.
Làm thế nào để học được kĩ năng?
Chúng ta thường bắt đầu bằng bắt chước. Tốt hơn là bắt chước một chuỗi việc làm mang tính phương pháp. Rồi ghi nhớ nó, bằng cả đầu óc lẫn tay chân. Rồi thực hiện chuỗi đó chính xác hơn, nhanh hơn. Càng nhanh càng chính xác càng mạnh, tức là càng thành thục. Thành thục đến mức phản xạ thì đạt được mức cao nhất. Dreyfus phân chia bằng những thuật ngữ Novice > Beginner> Competency > Proficent > Expert. Kĩ năng liên quan đến mức độ thành thục của một chuỗi hành động nào đó.
Bạn có thể nhớ một thủ tục nào đó có 6 bước, nhưng bạn chưa thực hành và bộc lộ sự thành thục ra đôi bàn tay (hoặc trong thao tác với khối óc), thì bạn chưa có kĩ năng. Cái bạn có mới chỉ là nhớ một loại tri thức thủ tục. Bạn có nhớ Vương Ngữ Yên trong truyện Anh hùng Xạ điêu không? Nàng ta nhớ hết chiêu thức, nhưng không thể đấm nổi một cú nào.
Kiến thức có được bằng cách nào?
Đủ kiểu. Học thuộc lòng. Đọc sách. Nghe giảng. Xem YouTube. Có khi kiến thức có được trong khi làm việc. Làm thì nó mới vỡ ra. Learning by doing tức là thông qua việc làm mà mình biết được sự thật, nắm được khái niệm. Nhưng mấu chốt của kiến thức vẫn là khung khái niệm. Khi có kiến thức thì bạn có thể tư duy mà không cần động chân tay. Tức là thao tác trên một tập hợp các khái niệm. Chúng ta nhớ Bloom từng nói nếu bạn chỉ nhớ được khái niệm thôi thì mới ở mức tư duy thấp nhất. Giải thích được sự việc thông qua khái niệm đó tức mới chỉ là mức “thông hiểu”, vẫn chưa phải là cao. Dùng khái niệm đó trong các tình huống khác nhau của đời sống mới bắt đầu chấp nhận được. Xa hơn phải thao tác ở mức phân tích, tổng hợp và đánh giá . Nhưng dù thông hiểu đến đâu khung lí thuyết, thì kiến thức vẫn chỉ nằm ở trong đầu. Nếu học thật kĩ, thật dài, bạn có thể có được trình độ cao nhất của lí thuyết, để thi lấy điểm tốt, rồi tiếp tục để học lên cao. Nếu không mang khái niệm ra khỏi khu vực thuần túy “học thuật”, nói chung kiến thức là vô dụng. Có một bồ chữ không đồng nghĩa với việc có năng lực.
Có nhiều vị tuyển dụng vẫn nhầm lẫn kiến thức với kĩ năng. Phỏng vấn ứng viên xong, thấy ứng viên nói hay quá, xong cho làm thấy lóng ngóng, thế là đánh giá cậu này “chỉ được lí thuyết xuông” rồi đánh trượt. Có thể công ty đã mất một người nắm vững cách làm (nhưng chưa có kĩ năng). Có người thì ngược lại, hỏi mấy câu cơ bản xong thấy ứng viên ấp úng không trả lời được, bèn thải loại kèm đánh giá “không biết cái gì”. Không khéo lại vừa mất đi một cậu rất thạo việc chân tay. Cả hai trường hợp này đều thể hiện một khiếm khuyết nào đó ở ứng viên (ttheo tiêu chuẩn của bài đánh giá), nhưng nhà tuyển dụng có thể đã nhầm lẫn trong đánh giá năng lực của ứng viên. Nhà đào tạo chuyên nghiệp ít khi nhầm lẫn như này.
Bây giờ, xin phép được đặt ra mấy câu hỏi.
Bạn có phải là nhà đào tạo có năng lực không?
Bạn có những năng lực gì?
Làm sao để bạn tự đánh giá được năng lực đó?