Hôm nay tôi xin kể chuyện về một căn bệnh mà mình hay mắc phải, ngành tâm lí học của Tây gọi là “Illusion of competence”, còn ta dịch nôm ra là “ảo tưởng sức mạnh”.

Mới chỉ gần đây thôi, chừng hơn 4 năm gì đấy, tôi mới biết được là một cái guitar acoustic không phải là một cây guitar classic lắp dây kim loại (thay vì dây nilon). Thế mà tôi đã dám tưởng là mình “biết oánh đàn” trên 20 năm nay rồi. Cây guitar acoustic đầu tiên mà tôi sở hữu mới mua được hai năm, một cây Fender loại rẻ tiền dành cho dân nghiệp dư tập nhạc. Tôi cũng chỉ mới biết thế giới guitar tất nhiên không chỉ có mỗi hai loại ấy. Còn có guitar chỉ để chơi bass, lại có loại 5 dây phím lõm chơi nhạc tài tử và cả lương, lại có loại tận 12 dây mà Don Felder chơi Hotel California khiến dân tình say như điếu đổ, hay như loại guitar điện Strat tiêu chuẩn mà Mark Knopler khiến dân chúng phát rồ với bản Sultans of Swing trứ danh, còn bố Carlos Santana thì chơi hẳn một loại đàn có tên bắt đầu bằng Santana và theo sau là các loại suffix số hoặc tên nọ kia. Tất nhiên đó chưa phải là toàn bộ danh sách.
Đàn đóm rõ là món mà tôi thuộc dạng amateur chưa tích đủ 3000 giờ luyện tập có chủ đích (deliberate practices) để có thể dám phát biểu là tôi “biết chơi”. Có thứ khác tưởng tôi phải rất thạo, thế mà…

Đó là việc đọc sách.

Lần đầu tiên biết dùng index của tôi rơi vào năm 2007, tức quãng 10 năm trước. Lúc ấy tôi cũng đã đọc sách phải đến gần 20 năm và có lẽ đã đọc cả nghìn cuốn (gồm cả truyện tranh :D), làm thầy cũng đã vài năm. Ấy thế mà thời điểm tôi thực sự phân biệt được sách nào thuộc thể loại gì cũng mới chỉ gần đây thôi, chừng bảy tám năm gì đấy. Cũng là lúc tôi mò được cái How to read a book. Còn cái sự để ý đến “nghề đọc” cho nghiêm túc thì thực sự là mới chỉ được đâu đó 3-4 năm gì đó thôi.
Thân làm nghề dạy học, cũng từng học trường nọ trường kia, nhưng do cái phần phổ thông của mình nó tự do quá, cái phần Đại học nó lại ẩm ương và phóng túng quá, cho nên một số kĩ năng cơ bản bị lướt. Cái loại lướt lướt này khiến mình rơi vào “illusion of competence”, tức là cứ ngỡ mình đọc siêu, cứ ngỡ mình cũng không đến nỗi nào. Nhưng hoá ra mình nhầm to.
Mang tiếng là được 9 điểm triết học Mác Lê từ hồi năm 2000, nhưng hầu như cả đời đọc triết tính, sau khi trải qua cả hàng nghìn trang sách triết học, lại chưa đặt nổi một câu hỏi triết học nào. Tức là mình không hiểu gì về Triết cả. Thật là dốt không thể tưởng tượng được. Đọc như thế thật là phí sách, phí thì giờ. Điều này tôi mới thực sự biết được khi đọc chương sách “Cách đọc sách triết học” trong cuốn How to read a book của cụ Adler đã nhắc đến ở bên trên.
Kể ra tự học cũng có nỗi khổ riêng, chẳng ai chỉ cho mình sớm cái ngu dốt của mình. Đúng như nhà nghiên cứu gạo cội Cao Xuân Hạo từng viết về người tự học: kể cả khi nỗ lực bằng 10 lần, thì nguy cơ sai lầm vẫn còn lớn lắm.

Giữa bể tri thức mênh mông bể sở hiện nay và công cụ học tập đầy rẫy, cứ tưởng việc học dễ dàng lắm. Nhưng thực tế lại chẳng mấy khi màu hồng như vậy.

Tuy vậy, việc mắc bệnh ‘ảo tưởng sức mạnh’ có lẽ có tính quy luật. Nghiên cứu của Dunning-Kruger (còn gọi là Đường cong Tự tin Dunning-Kruger) mô tả diễn biến tâm lí của con người trước khả năng của mình: Lúc chưa biết gì thì cực kì tự tin (tôi biết rất chắc là như thế), lúc biết một tí thì lại mất hết cả tự tin (không biết là cái mình biết có đúng không, hay là sai), lúc biết rõ hơn mình biết cái gì và không biết cái gì thì mới dần dần tự tin trở lại với cái mình nói. Cho nên, chúng ta cũng không cần phải hoảng sợ nếu mình mắc bệnh “tự tin thái quá”.
Nhưng phàm là nhà đào tạo, hay là sếp, thì phải nắm được người học việc của mình đang ở trạng thái nào. Họ “ảo tưởng” là “đúng quy trình”, hay họ mắc bệnh nặng đã ngấm vào não nhiều năm. Điều đó rất quan trọng để thực hiện những biên pháp “can thiệp” đúng đắn.
Và trước nhất, cần tự đặt một cơ chế tự cảnh báo, để tự phát hiện khi nào mình có dấu hiệu “ảo tưởng sức mạnh” để không ảnh hưởng đến uy tín của mình hoặc gây hại đến người mình đang truyền thụ tri thức.

Written by Tấn Dương