1. Xỏ xiên

Tra từ điển tiếng Việt từ “triết lý”, ra ngay thứ này:

  • 1. Lý luận triết học.

  • 2. Lý luận suông: Cứ làm đi đừng triết lý nữa!

Người Việt đúng là giỏi nói xéo, xỏ xiên. Một từ có vẻ “sang trọng” thế mà cũng “giải thiêng” cho được. Hehe.

2. Thánh chém

“Khi nói về triết lí giáo dục, tôi cứ mường tượng ra cái vẻ mặt e dè của các bậc thông thái khi phát biểu về nó; trong khi đó thì lại có cảnh rất sôi nổi ở các quán bia hay trà đá vỉa hè vỉa hè. Ai cũng có thể “triết lí” được. Sách triết thì có nhiều, nhưng các triết gia lớn thì viết về triết học giáo dục lại không nhiều. Chỉ có người làm giáo dục thì phải làm bàn đến nó như việc chẳng đừng được.”

Tôi dám cá với bạn là trong nhiều hội thảo khoa học rất nghiêm túc, bạn vẫn có thể dễ dàng liên tưởng tới một quán bia.

3. Triết học Giáo dục

Trong “Đại cương triết học phương Tây”, Nguyễn Ước xếp Triết học Giáo dục như là một ngành của triết học (và không phân biệt với từ “triết lí giáo dục”) với mối quan tâm đặt vào cả bản tính và cứu cánh của giáo dục cũng như nội dung giảng dạy.

Những câu hỏi triết học cơ bản của Triết học Giáo dục có thể kể đến:

Giáo dục là gì? Nó là sự chuyển giao văn hóa giữa các thế hệ; hay là sự khai tâm cho thanh thiếu niên làm quen với phương cách nghĩ và làm đáng giá? bồi dương sự trưởng thành của cá nhân?

Cứu cánh tối hậu của hành động giáo dục là để làm gì?

Học sinh nên học theo tiến trình như thế nào?

Nên để cho cái gì quyết định nội dung của giáo dục?

Việc trả lời những câu hỏi đó sẽ phân định “trường phái” hoặc xác lập một “trường phái mới”.

Hình như là các nhà triết học không chủ tâm viết nhiều và kĩ về Triết học Giáo dục trừ những nhà triết học kiêm nhà giáo dục (Dewey chẳng hạn). Môn học này thường chỉ để cho nhà giáo dục bận tâm.

4. Chém được

Trong khi đó, dân tình vỉa hè sẵn sàng gán cho bất kì một thứ gì hao hao phương pháp từa tựa trừu tượng một cái gọi là triết lí. “Triết lí của anh là …” Từ triết lí giáo dục đôi khi được đơn giản hóa lại chỉ còn quan niệm về cách làm, đôi khi là một slogan, hoặc là một cách xác định cứu cánh mang tính viễn kiến về kết cục của những hành động. Nói thế này thì doanh nhân nào cũng có “triết lí” cả, anh thợ cả nào cũng chứa một bồ “triết lí”. Và thế là cứ gặp nhau ở quán bia thì cả làng tha hồ mà cao đàm khoát luận.

5. Yukichi

Thời Yukichi xứ Phù Tang mở trường, hình như ông không bận tâm nhiều tới việc phải phát biểu rành mạnh triết lí giáo dục của Nhật bổn cần phải xây dựng hay phải theo anh Tây anh Tàu nào. Cuốn Khuyến học mà cả làng cả xã đều đọc được viết ra để trả lời những câu hỏi bức thiết:

Học để làm gì?

Vì sao phải học?

Vô học thì thiệt thòi thế nào?

Học thế nào để làm tròn công việc của mình?

Làm sao để hun đúc chí khí độc lập?

Tránh nhiệm của lãnh đạo là gì?

Luật pháp quý giá thế nào?

Trách nhiệm của công dân ra sao?

Sao phải học thuyết trình?

Vân vân …

Đơn giản mà sát sườn. Chắc không ai to gan dám bảo Yukichi là không có tư tưởng? Nhưng ông chẳng mất công viết sách lí luận cao siêu, mà nói những việc sát sườn tới mỗi người, tới từng bộ phận dân chúng và liên hệ tới quốc gia. Đi liền với mỗi lời bàn ấy là những gợi ý thực hiện. Triết lí Giáo dục được ẩn trong những hàm ý về đích đến của giáo dục, cách đạt được nó và nội dung của giáo dục. Có ai phân Yukichi vào hàng những người theo thuyết “thực dụng” chưa nhỉ?

Nhờ cụ thể như thế mà nước Nhật nhích lên từng bước và sớm thành nước hùng cường từ cái nền phong kiến rất thấp, chứ không đi lên nhờ slogan chỉ để đặt lên văn bản hành chính và đọc lên cho sang mồm.

6. Triết học giải quyết vấn đề

Nhà triết học giáo dục vĩ đại nhất thế kỉ 20 của nước Mĩ John Dewey quan niệm giáo dục phải tham gia quá trình liên tục giải quyết vấn đề. Ý nghĩa của một lời phát biểu khi đặt nó trong tương quan với ứng dụng thực tiễn của nó, nghĩa là lời phát biểu ấy có khả năng làm biến đổi nguyên trạng hay không? Tức là ở cái tác dụng của phát biểu ấy. Một phát biểu về mục đích giáo dục kiểu như “vừa hồng vừa chuyên”, “dân trí, dân khí, dân sinh”, “tự do, bình đẳng, bác ái” ở thời điểm này liệu có thay đổi cái nguyên trạng nào? Có giải quyết được vấn đề nào?

7.  Anh định làm gì?

Trong lúc các nhà “tư tưởng” còn chưa ai chịu ai về độ đúng đắn và cao siêu; trong lúc chờ đợi có một cụ Tây Hồ 2.0, hay một Yukichi của Việt Nam, có lẽ cần quay trở lại Dewey cho cái gọi là triết học nó bớt cao siêu một chút: anh định làm gì? Triết lí nằm ở hành động. Cuộc tranh luận về triết học giáo dục không nên  là sân chơi riêng của đám trí thức salon, của câu lạc bộ hưu trí hay phường thất nghiệp(vô ý hay hữu tình).

8. CV

Có anh giáo chỉ dạy viết CV mà được hết thảy các sinh viên biết ơn rần rần.

Ai bảo nó là việc lặt vặt thì cứ việc, anh giáo đó mà dạy xong 1000 sinh viên thì cái triết lí “thực học thực nghiệp” mà anh thực hành chẳng cần phải tranh luận với ai cả. Anh đã làm được một việc cực kì nghiêm túc:  thay đổi cái thảm cảnh copy-paste mẫu CV hiện nay, giúp cho 1000 thanh niên dễ dàng vượt vòng “gửi xe” trên tiến trình thoát cảnh “tốt nghiệp mà thất nghiệp”.

Nền giáo dục thì nát bét, anh giáo hàn gắn nó bằng một hành động và cả một chương trình hữu ích.

Written by Tấn Dương