Năm 2013 đã khép lại hai tuần, nhưng báo chí vẫn dày đặc những “Nhìn lại 2013” với lại “Chào 2014”. Thấy thế đôi tay lại muốn nhảy múa, bụng bảo dạ thôi đành làm phận a dua vậy. Mình thử bắt đầu với 5 việc làm tiêu biểu của Cánh Buồm. Chọn “việc làm” vì Cánh Buồm là bọn chỉ ưa “việc làm” chứ không khoái “sự kiện”; chọn số 5 không giống với chỗ khác (thường chọn 3 hoặc 10 hoặc … 13) vì 5 là số lớp của bậc tiểu học, cũng là số ngón trên mỗi bàn tay mà đồng chí Phờ Tờ  thi thoảng giơ lên mút mút 🙂

1. Ra mắt tủ sách Tâm lí học Giáo dục Cánh Buồm

Định không bình luận gì về việc “vĩ đại” nhất trong năm này. Nhưng đành ghi lại mấy dòng để ai đọc được đỡ bị hẫng.

Việc này diễn ra vào tháng cuối của năm, thậm chí ngày ra mắt sách nhưng không ai nhìn thấy cuốn sách đâu,  lại bị lồng vào trong một hội thảo có cái tên ỡm ờ con cá cờ “Cánh Buồm no giớ thời đại Internet”. Như thế vẫn chưa mô tả hết cái trúc trắc của việc ra đời của tủ sách này. Vị thủy thủ mới nhất của Cánh Buồm, dịch giả – nhà thơ Hoàng Hưng, đã “bị” giao nhiệm vụ dịch Piaget trong tình cảnh không có nhiều hỗ trợ từ sách vở cũng như từ cộng đồng tâm lí học trong nước, đến mức mà khi đi tìm sự trợ giúp lời gợi ý quý giá nhất lại là “tôi nghĩ ở Hà Nội chỉ có một người giúp được bạn”. Nghe tên đồng chí Z kia,  HH tí sặc vì buồn cười. Người lạ lại giới thiệu người nhà. Về kể lại, bọn thủy thủ trẻ cũng cười sằng sặc. Kế hoạch thì đã có từ 2012, việc cũng được giao từ 2012, nhưng phải đến cuối 2013 cuốn đầu tiên trong số các kinh điển của Piaget mới được ra mắt. Hoàng Hưng nổ phát súng đầu tiên, và sẽ tiếp tục tổ chức để tủ sách để nó dày dặn lên qua từng năm.

Chuyện vĩ đại nó nằm ở chỗ này: lần đầu tiên ở Việt Nam có một định hướng dài hơi về tủ sách Tâm lí học Giáo dục để góp gạch làm móng cho ngôi nhà học thuật về giáo dục bằng tiếng mẹ đẻ.

Còn nhiều chuyện hay để kể về việc hệ trọng này. Nhưng thôi, để một phút quảng cáo cho quyển đầu tiên ra mắt sau một năm mang nặng đẻ đau đã. Bìa cháu nó đây:

Su ra doi tri khon o tre em-cut 2

Mại dô mại dô, sách quý, mua ngay kẻo hết!

2. Cánh Buồm chịu khó lên mạng

Phần trên có nhắc tới cái hội thảo cuối năm ở L’Espace với cái tên ỡm ờ “Thời đại Internet”. Thực tế thì hội thảo đó để giới thiệu ba cuốn cẩm nang sư phạm và tủ sách Tâm lí học Giáo dục Cánh Buồm, thành ra nhiều quan khách đến tham dự cứ théc méc sao lại không có tí nào Internet vậy?

Kì thực 2013 Cánh Buồm rất chịu khó lên Internet, nhờ đó có thêm thật nhiều bạn và người hâm mộ. Tháng 4, bộ sách Cánh Buồm đã được số hóa và có mặt trên Alezaa.com. Trước đó, Cánh Buồm đã dám làm  fanpage Facebook như một kênh trao đổi và kết nối chính trên mạng với xã hội. Quả thực, con đẻ của Mark Zuckerberg đã góp phần cực kì hữu hiệu để Cánh Buồm “lướt” trên đại dương Internet. Nay đã có hơn 2000 Likes, mỗi lần có việc, hàng chục nghìn netizen bày tỏ sự quan tâm. Quả là một tín hiệu đáng mừng.

Ngoài ra, Cánh Buồm cũng thiết lập kênh riêng trên YouTube, tổ chức lại trang nhà theo hướng cung cấp các nội dung hữu ích cho cộng đồng, giúp cho việc tìm hiểu đường lối của Cánh Buồm được đầy đủ và chuyên sâu hơn.

Hội thảo nghe có vẻ như "thời sự" lắm, nhưng lại là  để ra mắt những thứ cổ điển.

Hội thảo nghe có vẻ như “thời sự” lắm, nhưng lại là để ra mắt những thứ cổ điển.

3. Cẩm nang sư phạm, chuỗi ngày Sư phạm Cánh Buồm và Câu lạc bộ Sư phạm

Hàng nghìn cuốn sách giáo khoa Cánh Buồm đã đến tay người dùng. Nhưng để hiểu và dùng thì lại vẫn còn nhiều thách thức.

Bên cạnh việc biên soạn Cẩm nang sư phạm, Cánh Buồm đã khởi động chuỗi Ngày Sư phạm Cánh Buồm tại 52 Hai Bà Trưng vào các chiều cuối tuần trong suốt sáu tháng cuối năm để cùng nhau tìm hiểu và trao đổi về giáo dục. Từ các các nhà trí thức, các nhà giáo dục, giới truyền thông cho tới các bậc phụ huynh và sinh viên đã cùng nhau tạo ra một diễn đàn thực sự hữu ích để chia sẻ về nỗi ưu tư với giáo dục nước nhà. Đi từ các chủ đề hết sức “Cánh Buồm” như “làm sao lại phải học tiếng Việt” hay “học Văn thế nào?” cho đến các vấn đề về cơ sở tâm lí học giáo dục hay thảo luận về triết lí giáo dục; dù chưa thể đáp ứng được hết nguyện vọng của người tham dự, đặc biệt các vị phụ huynh vốn mong muốn các giải pháp tức thì cho các vấn đề trong gia đình họ, nhưng rõ ràng các nỗ lực “đến với cộng đồng” này của Cánh Buồm cũng tạo ra được sự cộng hưởng không hề nhỏ, giúp cho cái không khí học thuật giáo dục ở Hà Nội bớt đi phần ảm đạm và nhàm chán.

Chợt nghĩ, Cánh Buồm vốn ưa thích chuyện sách vở và thực nghiệm, không khoái mấy chuyện chém gió lung tung, nhưng hình như ở Hà Nội nghìn năm văn hiến này, chẳng có đơn vị giáo dục chính quy bài bản nào có được một hoạt động “chém gió” dài hơi và chuyên sâu như thế về giáo dục. Nên vui hay nên buồn đây?

Những Ngày Sư phạm Cánh Buồm lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu thời gian để cho mọi người được nói, mới biết mọi người mong mỏi một diễn đàn như thế nào.

Những Ngày Sư phạm Cánh Buồm lúc nào cũng ở trong tình trạng thiếu thời gian để cho mọi người được nói, mới biết mọi người mong mỏi một diễn đàn như thế nào.

4. Olypmia đã cho một Trường thực hành

Chủ tịch trường liên cấp Olympia phát biểu thế này “Cánh Buồm thiện nguyện, bọn chị rất hâm mộ, đường lối giáo dục của chúng ta rất gần nhau, thế thì Cánh Buồm đến đây mà thực hành”. Sau một trường Nguyễn Văn Huyên đã đỡ đầu để bộ sách Cánh Buồm được ra đời và thực nghiệm, giờ có thêm một Olympia chấp nhận và góp thêm một bồ gió lớn để Cánh Buồm tiếp tục ra khơi. Thuyền trưởng Phờ Tờ đã chuyển cơ sở từ Hồ Tây thơ mộng về cổng Utopia, chắc chắn sẽ có nhiều việc làm hay nữa.

Bên cạnh việc tự tổ chức các lớp học ngắn hạn cho trẻ em, liệu Olympia liệu có phải là một “trận đánh nhớn” của Cánh Buồm trong mấy năm tới hay không? Hãy chờ xem!

a4

5. Tham gia ngày hội sách quốc gia ở Văn Miếu

Đây là một việc làm hơi khác lạ của Cánh Buồm: tự quảng bá hình ảnh của mình. Nhưng cuối cùng thì cũng dám làm. Cánh Buồm gần như thành ngôi sao của ngày hội sách năm nay: chiếm hẳn một sân khấu để tổ chức hoạt động cho trẻ em với cái banner to tổ bố nhưng cực kì hút mắt; gian sách cũng rất đông người đến thăm, ước chừng khoảng 4000 đôi tay đã trực tiếp sờ vào sách Cánh Buồm và tìm hiểu xem bọn này là bọn nào, sao lại có sách gì lạ thế? Khoảng 5000 cuốn sách Cánh Buồm đã theo chân Tủ sách Nông thôn đi đến các miền xa của đất nước, cũng chừng ấy sách điện tử đã được phát đi miễn phí trên mạng qua chương trình của Alezaa. Diễn giả Phờ Tờ cũng chiếm một chút đất diễn khi có một bài thuyết trình ngắn nhưng thật hay khiến cho một vị đại tá quân đội già không chỉ xin được gặp mà còn móc hầu bao mua ngay một bộ sách cho cháu. Cánh VTV với HanoiTV thì xúm lấy xin phỏng vấn lia lịa. Đứa cháu họ cùng làng của mình đang làm ở một công ty truyền thông và tổ chức sự kiện cho ngày hội sách thì phát ghen lên vì không hiểu Cánh Buồm là bọn nào mà lại hút khách thế, tổ chức chuyên nghiệp thế? Mình cứ bấm bụng cười, “mèo mù vớ cá rán thôi”; hiệu ứng tốt như thế nhưng hình như Cánh Buồm vẫn chưa rút ra được bài học về marketing cho mình.

Cả một sân Thái Học trong Văn Miếu như dành riêng cho Cánh Buồm

Cả một sân Thái Học trong Văn Miếu như dành riêng cho Cánh Buồm

Điều hay nhất là, trừ cái việc làm số 5 ra, tất cả các việc kia đều là “khởi đầu”. Tức là “hành trang” cho 2014 thật là “nhiều nhặn”. Vui.