Cách đây 15 năm, khi viết giáo trình Computing Fundamentals cho người học CNTT, mục dạy Word Processing (công cụ có Microsoft Word, Google Docs và Open Office) được đặt trong một chương có tên Productivity Suites. Năm ấy nhiều giảng viên thắc mắc “sao lại không gọi thẳng là Office Suite”? Tôi giải thích rằng mình dạy khái niệm chứ không chỉ dạy công cụ (mặc dù sinh viên sẽ phải làm việc với công cụ để lĩnh hội được khái niệm). Ý tưởng chính là thông qua việc dùng công cụ đó mà nâng cao năng suất lao động. Trong mục Spreadsheets, các ví dụ đều mang tính chất ứng dụng và giải quyết vấn đề: dùng Excel để quản lí thời gian, dùng để quản trị dự án; chứ không phải là bảng tính cộng trừ nhân chia hay chỉ dành cho mấy chị kế toán (như thường nghĩ hoặc thường thấy trong các sách dạy Excel thời đó). Những công cụ ấy đa năng, đa nhiệm, đa mục đích; nếu dùng đúng chỗ có thể cải thiện đáng kể năng suất của người lao động tri thức.
Năm nay, nếu viết lại giáo trình ấy cho người mới học, thì mục Productivity sẽ phải có thêm Notion, Copilot, ChatGPT, MidJourney, Stability.ai… Khái niệm không đổi, nhưng công nghệ đã có diễn biến mới. Nếu thêm, tôi sẽ đưa quản trị và những nội dung chủ đạo trong Được việc làm phụ lục thật dài để hoàn thiện bài giảng. Vấn đề cũ, khái niệm cũ, cách giải mới, công cụ mới.
Đầu thế kỉ 17, Francis Bacon viết “Bộ công cụ mới”, mở đường cho tư duy khoa học phát triển. Loài người từ cái mốc đó ào ạt bước ra khỏi hang tối, không còn như trước nữa. Ngày nay, công cụ mới nhất, tân kì nhất có tên trí tuệ nhân tạo. Chúng ta có lẽ đang được chứng kiến một cuộc thay đổi toàn diện đời sống con người, thậm chí tạo sức ép lật lại những câu hỏi bản thể luận quan trọng nhất liên quan tới tính người. AI vừa mang lại cơ hội to lớn, sự phấn khích, cũng như những nghi hoặc và cả nỗi khiếp sợ.