Buổi chuyên đề “Học cách học” với diễn giả Dương Trọng Tấn chiều ngày 24/5 mang đến cho sinh viên FPT Arena và nhiều bạn trẻ khác cái nhìn sâu sắc về việc học và nghệ thuật học. 

Anh Dương Trọng Tấn là cựu Giám đốc FPT Aptech, hiện giữ vai trò Giám đốc Học viện Agile. Đây là đơn vị cung cấp các giải pháp học tập và huấn luyện Agile tiên phong tại Việt Nam. Trong thời gian dài, diễn giả dành nhiều sự quan tâm đến cách học, cách con người học và cách giáo viên giảng dạy. Anh nhận ra “đôi khi mọi người học theo thói quen của người khác và theo kinh nghiệm là chủ yếu”. Anh Tấn cho rằng giáo viên cũng không ngoại lệ. Trừ kiến thức từ trường sư phạm, họ sẽ nhìn người đi trước dạy như thế nào và áp dụng, không để tâm đến cách bản thân mình và người khác học thế nào là hiệu quả. “Tôi cho đó là điều chúng ta bỏ quên và lãng phí bởi nếu hiểu hơn về cách não bộ hoạt động và cách tiếp cận kiến thức sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và việc học cũng rất hiệu quả”, anh bình luận.

 

Ba câu hỏi được diễn giả đưa ra và câu hỏi nào là quan trọng nhất là vấn đề dành cho hơn 50 sinh viên tham gia chương trình động não. “Học cái gì?”, “Học để làm gì” và “Học thế nào?” được mọi người thảo luận sôi nổi. Có sinh viên khẳng định: “Thích thì học”. Anh Tấn diễn giải việc quan tâm đến cả ba câu hỏi này đều quan trọng như nhau. “Học cái gì?” được diễn giả đánh giá là không dễ trả lời. “Điều quan trọng là muốn mới học được, còn không muốn thì chữ có nhét vào đầu cũng sẽ chạy ra. Giáo dục là làm thế nào người ta muốn học, khi đó mọi việc đều được giải quyết”.

1-7233-1464167557.jpg

Anh Dương Trọng Tấn bắt đầu sự nghiệp giảng dạy năm 2004, từng làm công tác giáo dục tại FPT Aptech và ĐH FPT. Ảnh: Yến Nhi.

Anh cho rằng việc tự đặt ra câu hỏi “Học để làm gì?” cũng góp phần đánh thức niềm cảm hứng cho bản thân, sau đó mới chọn được sẽ học cái gì. Tất nhiên điều này đang được đặt trong bối cảnh người trong cuộc có thể chọn học bất cứ cái gì mình muốn. Cả hai câu hỏi đầu đều không phải do chính người học quyết định được hết bởi có rất nhiều sự tác động mong muốn hoặc không mong muốn từ nhiều phía. Tuy nhiên, câu hỏi “Học như thế nào?” là hoàn toàn có thể tự chủ được. “Kể cả khi bạn bị ép buộc học cái gì thì vẫn có thể tự quyết định sẽ học như thế nào. Lúc ấy có thể giảm đi sự khổ sở nếu bị ép và vượt qua khó khăn ban đầu để làm được. Học như thế nào không chỉ quan trọng với học sinh, sinh viên mà còn cả người đã đi làm”, Giám đốc Học viện Agile khẳng định.

Hàng loạt câu hỏi được diễn giả lần lượt đưa ra cho các học viên dần lý giải về những cách học hiệu quả và vai trò của nó trong thời đại mới. Nên làm gì khi đứng trước một tình huống đau đầu không giải quyết được? Theo kết quả từ các nhà nghiên cứu, thực chất đó là khi con người đang rơi vào trạng thái suy nghĩ tập trung. Lúc đó, các nơron thần kinh chỉ ở một số vùng nhất định không thể phát huy hết được toàn lực bộ não. Trong khi đó, nếu ở trạng thái thư giãn nhịp nhàng, phạm vi hoạt động rộng thì não lưu giữ thông tin ở nhiều nơi khác nhau và có thể sẽ tìm ra lời giải ở những nơi mà não không hoạt động khi đang ở trạng thái tập trung. “Nếu đang đau đầu và bạn cố giải thì không bao giờ phát huy được. Lời khuyên từ các nhà khoa học là hãy bỏ đấy, đi chơi đã”, anh chia sẻ.

Khi não ở trạng thái thoải mái sẽ giúp con người làm việc hiệu quả. Não cũng cần được nghỉ ngơi bằng cách có một giấc ngủ tốt. Một số nghiên cứu cho thấy nếu một người mất ngủ đêm trước thì hiệu suất công việc ngày hôm sau giảm đến 30-60%. Có nghĩa là sau một đêm mất ngủ thì năng lực của một người sẽ mất đi phân nửa. “Đó là lý do tại sao chúng ta thường được khuyên trước khi đi thi không nên ôn bài mà hãy đi ngủ sớm. Đối với người đi làm, trước một dự án quan trọng không nên quá cố mà hãy ngủ sớm để có hiệu suất tốt nhất vào hôm sau”.

2-1281-1464167557.jpg

Buổi chuyên đề có tính tương tác cao tạo sự tập trung ở người tham dự. Ảnh: Yến Nhi.

Anh Tấn chỉ dẫn cho học viên một số kỹ thuật cũng như những gợi ý học hiệu quả như Pomodoro với quy luật cứ làm việc 25 phút thì nghỉ 5 phút bởi các nghiên cứu cho thấy não bộ con người chỉ tập trung được 10 phút thì sẽ bị xao nhãng, kỹ thuật chunking với việc tạo lập ý nghĩa, kỹ thuật ghi chép hiệu quả Cornell Note Taking System, Kolb’s Learning Circle hay Growth Mindset, Mindmap… Từ đó, sinh viên có thể tự mình chắt lọc những cách học phù hợp với bản thân.

Các nghiên cứu cho thấy một người làm việc liên tục càng có khả năng stress cao và cũng làm giảm chỉ số IQ. Theo Giám đốc Học viện Agile, không nên học quá nhiều hay tiếp nhận thông tin đồ sộ trong một lúc vì não của con người trong một thời gian ngắn chỉ xử lý được lượng thông tin hữu hạn. Cụ thể, một nghiên cứu vẫn đang tiếp tục được thực hiện tại Trung Quốc từng chỉ ra những người có xu hướng chia sẻ nhiều trên mạng xã hội có khả năng ghi nhớ và hiểu biết kém hơn. Điều này chứng tỏ càng làm nhiều việc một lúc càng dễ xao nhãng và mệt mỏi. Diễn giả cũng lấy dẫn chứng từ phương pháp làm việc tại Toyota. Các nhân viên ở đây phải luôn luôn ghi nhận việc chưa làm xong và chúng không bao giờ được lớn. Có nghĩa là họ phải xây dựng thói quen hoàn thành công việc này rồi mới chuyển sang công việc khác để tránh xao nhãng, stress cũng như hiệu suất công việc giảm khi ôm đồm quá nhiều thứ một lúc.

Một điều nữa được Giám đốc Học viện Agile nhấn mạnh là bất kỳ kỹ năng nào cũng đều phải được tập luyện mới trở nên thuần thục. 10.000 giờ làm việc chú tâm là con số chung của những người thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào. Và việc học tập cũng không giới hạn ở phạm vi độ tuổi hay môi trường nào. Điển hình là giáo sư Vũ Anh Tuấn, Trưởng Bộ môn Văn học dân gian – ĐH Sư phạm Hà Nội, vẫn học Tin học năm 59 tuổi, học tiếng Anh năm 60 tuổi và sắp học xong lái xe ôtô. Một người khác được diễn giả nhắc đến vẫn kiên trì học tập dù đã lớn tuổi là nhà giáo Phạm Toàn – người nhận giải thưởng Phan Chu Trinh năm 2015, khởi nghiệp năm 78 tuổi. Ở tuổi 84, ông vẫn làm việc 14-16h mỗi ngày. “Điều này chứng minh thái độ rất quan trọng với việc học”. Khi người ta còn muốn học, không gì là giới hạn.

Anh Tấn bày tỏ, chúng ta đang sống ở thời đại mà mọi thứ đều trở nên thay đổi quá nhanh dẫn đến những gì được dạy trong trường dễ trở nên lạc hậu. Internet có thể rất rộng lớn nhưng kỹ năng tìm kiếm, xử lý và mang nó thực sự giá trị cho đời sống của mỗi người là một nghệ thuật. “Không gì khác ngoài việc tự học có thể giúp được.  Năng lực tự học là cốt lõi trong thời đại mới”, anh nói.

Buổi chia sẻ của cựu Giám đốc FPT Aptech mang đến cho các thành viên tham gia nhiều hứng khởi và mọi người hoàn toàn chú tâm vào phần diễn giải của anh suốt hơn 2 giờ. Không chỉ thu hút nhiều sinh viên trường khác, buổi chuyên đề thú vị này còn có sự tham gia của những hoc sinh cấp 3. Hoàng Cao Chí, sinh viên năm ba ĐH Mở, đọc thông tin chương trình trên mạng xã hội và quyết định tham gia. “Buổi chuyên đề có tính tương tác cao với cấu trúc nội dung và truyền đạt tốt. Qua đây em học được cách tự định hướng và hiểu rõ về quá trình học tập của bản thân”.

Yến Nhi