Một bác nông dân chăn cừu nhìn sang đồng bên cạnh, thấy một cái lùm lùm xù lên như là lông cừu. Bác bảo với vợ là “đồng bên cạnh cũng có cừu rồi”. Kì thực cái bác nhìn là một cái áo lông cừu của ai đó mắc lên bụi cây. Nhưng dưới bụi cây đó, lại có mấy con cừu đang gặp cỏ. Vậy là bác nông dân biết về một sự thật là “có cừu ở đồng bên”, nhưng không phải do bác nhìn thấy.

Đó là tình huống điển hình kiểu Gettier mang tên nhà triết học cùng tên để ám chỉ việc một người đôi khi chỉ vô tình biết được cái gì đó là sự thật, tin nó là sự thật, và có lí do để tin (những điều kiện cơ bản để được gọi là “biết” theo tư duy triết học truyền thống: tính đúng đắn, niềm tin và lí do để tin).

Thật kì lạ là phải đến những năm 60 thế kỉ trước mới xuất hiện các ví dụ kiểu Gettier để phản bác các lí lẽ truyền thống tồn tại cả nghìn năm. Lạ nữa là không có cuốn giáo trình triết học nào in tiếng Việt có nhắc đến các tình huống Gettier như thế này (thì phải?).

Gettier cho thấy: cái chúng ta biết không nhiều lắm, nhưng ngay cả những cái chúng ta chắc chắn là biết có khi lại là do … ăn may!