Tôi về làng ăn cưới, lại được chứng kiến 2 việc rất đáng suy ngẫm liên quan đến mấy chiếc cọc. Việc 1: chiếc xe 45 chỗ chở anh em cùng cơ quan của chú rế từ Hà Nội về ăn cưới va vào cọc chắn ở đầu làng, vỡ hết cả chiếc chắn bùn. Biết không thể vượt qua đành phải thả khách xuống ở đầu làng giữa cái nóng chang chang giữa chiều hè. Khách đi ăn cưới thì áo quần xúng xính, lội nắng đi vào, thật hơi vất vả. Việc 2: chiều hôm sau, do sơ suất của trẻ nhỏ, một xưởng mộc bị cháy dữ dội. Xe cứu hỏa được điều đến kịp thời, nhưng bị tắc ở hai cái cọc chắn vì xe to quá. Phải mất mười lăm phút sau mới đến được hiện trường. Chừng ấy phút đủ để lửa xơi tái cả cái xưởng, suýt chút nữa thì xơi luôn cả nhà hàng xóm, ngay cả khi trước đó cả xóm đã huy động hết xô chậu, vòi nước để dập lửa. Nguyên cớ của sự tồn tại của mấy chiếc cọc kia là như thế này: Chẳng là dân làng hò nhau đóng tiền (chứ không phải tiền nhà nước) để làm đường, đẹp từ trong ngõ ra đến đường lớn. Nhưng xe pháo thấy đường đẹp cứ hò nhau đi qua mà không thèm “đóng một tí phí” nào; xe lại to, chẳng mấy chốc mà đường hỏng, dân làng lại phải làm lại. Thế là hò nhau cấm, cách dễ nhất là đầu mỗi đường xây hai cái cọc bê tông cao năm chục phân, cách nhau hơn hai mét, chỉ đủ xe nhỏ đi qua. Giờ thì mấy chiếc cọc đổ đốn sinh ra phản chủ.

Written by Tấn Dương