Một người mà mình gọi bằng Thầy, chưa từng đỗ đại học bao giờ lại được một GS TSKH lừng danh cùng ngành tôn đứng lên trên mình, và rất nhiều trí thức tầm cỡ khác gọi bằng đại ca. Ông luôn mồm bảo: “làm gì có ai giỏi, làm đi mới biết được”, “làm đi rồi học, làm mà học, làm thì học”. Cứ ra sản phẩm rồi thì biết giỏi cỡ nào.
Ông sếp mình dạo trước cứ mỗi lần giao nhiệm vụ là bảo “thử thách tiếp theo nhé, chịu khó học là ngon thôi”, và cũng từng rất sốt ruột khi thấy mình không biết cách đếm tiền, mắng như té tát “chú mày chẳng chịu học gì cả”. Nghe mắng thế rất nhục.
Cả hai vị cao thủ đó đều chung một ý tưởng: coi sự học là gốc của phát triển và thước đo cá nhân. Mà cái học này không nằm ở chỗ anh đã “học bao nhiêu ở nhà trường, có bao nhiêu bằng cấp” mà qua thể hiện trong công việc cụ thể, qua sản phẩm làm ra. Một nhân viên có thể mắc sai lầm (vì dốt), cũng có thể lặp lại thêm sai lầm một lần nữa (nếu nó không đến nỗi gây “chết người”), nhưng nếu anh ta cứ mắc sai lầm theo cùng một kiểu vì không chịu học thì rất đáng trách. Không ai dốt bền mãi, chẳng ai khôn tự nhiên hết, phải học mà làm.