Nhiều khi chúng ta nỗ lực rất nhiều để hoàn thành nhiệm vụ được giao. Mồ hôi túa ra ròng ròng, thậm chí nhiều đêm mất ngủ , nhiều lúc đổ nước mắt vì tranh cãi, vì ức chế, hoặc vì cảm thấy bất lực. Ấy thế mà đến cuối kết quả lại hoàn toàn không như ý muốn. Thậm chí thất bại nối tiếp thất bại. Những lúc ấy ta băn khoăn thật không biết phải làm gì.
Lúc còn trẻ, ít kinh nghiệm, nhiều bạn trẻ có thể suy sụp rất mau chóng. Có người vì “tự trách mình” nhiều quá mà đâm nản lòng, u sầu quá mức không còn nghĩ gì được nữa. Có ngược lại đổ hết lỗi cho” hoàn cảnh, cho điều kiện khách quan cho khách hàng khó tính, hoặc cho ông sếp ra “đề” khó quá, rồi lại do này do nọ mà hỏng việc chứ không phải do mình.
Tệ hơn, một số bạn có xu hướng từ bỏ từ rất sớm, khi chưa chịu phân tích thấu đáo chuyện gì đã xảy ra, vì sao hỏng việc, làm sao để tránh lặp lại. Những người này chưa học gì qua những lần hỏng việc như vậy.  Như thế thì những người này dù có thất bại 1000 lần cũng không thể tiến bộ lên được dù một chút.  Câu “thất bại là mẹ thành công” không đúng với những người này.
Chúng ta đều biết rằng hầu như không có việc thực sự quan trọng nào mà lại không đòi hỏi nỗ lực trong thời gian dài mới mong có thành tựu được. Do vậy, vượt qua những lúc bế tắc luôn là một khả năng phải đối mặt. Cái gọi là “làm đến cùng” tức là khả năng đứng dậy sau mỗi sai hỏng nếu còn cơ hội. Việc gì đã bày ra, đã nhận lấy thì quyết làm cho bằng được.
Nên nhớ là chúng ta có quyền u buồn đôi chút. Đó là gia vị của cuộc sống, thiếu nó thì ta cũng khó lòng hiểu được ý nghĩa của những niềm vui đích thực. Cho nên ông Inamori Kazuo của KDDI có nói trong hạnh phúc tột cùng có cả những vị đắng của giọt nước mắt như vậy.
Khi gặp bế tắc, bạn nên tránh xa vấn đề bế tắc một chút, tìm về thứ bạn yêu thích, hoặc 1 trò tiêu khiển tích cực. Việc tránh xa này thực ra lại rất đúng về phương diện khoa học thần kinh. Bạn sẽ giảm tải cho não bộ, đưa nó về trạng thái thư giãn (diffuse), kích thích các vùng khác của não bộ hoạt động. Kết quả là khả năng bạn có được ý tưởng tốt hơn cho vấn đề phức tạp đang đương đầu.
Sau đó bình tâm phân tích bài học mà sự thất bại vừa dạy cho,  chí ít là để lần sau không vướng phải, hoặc là để tìm những cách tiếp cận khác khả thi hơn. Lúc này hãy vận dụng tối đa kĩ năng giải quyết vấn đề mà bạn có, những sách vở mà bạn đã biết và rút ra những bài học thật hữu ích. Lưu ý rằng nếu bạn cứ lặp đi lặp lại 1 lỗi nào đấy thì nhiều khả năng nó là lỗi hệ thống. Bạn cần nhìn rộng ra, nhìn khác đi để tìm nguyên nhân gốc rễ và tìm các phương án khả dĩ hơn. Bạn cũng có thể cầu viện những người có kinh nghiệm hơn ở bên trong và bên ngoài công ty để tiến thêm từng bước trong những vấn đề phức tạp mà bạn đã rối trong nhiều ngày. Ngồi một chỗ không phỉa là một ý hay.
Thomas Edison từng nói đại ý tôi chưa bao giờ thất bại, mà chỉ chưa thử 1000 cách khác thôi. Cái đức bám đuổi ấy quả là hết sức quan trọng mà mỗi nhân viên cũng nên trui rèn. Tôi luôn nghĩ rằng, trừ những khi hết sức may mắn còn ra thì 100% những người muốn có thành tựu đáng kể đều phải hành động như vậy chứ không thể sớm từ bỏ khi chưa nế lực hết sức.
Cái ý chí đó, thực ra đã tự nó là một sự thành tựu quan trọng rồi, chứ không nhất thiết cứ phải là chờ hết vào kết quả cuối cùng.
Có người khuyên câu này hay lắm: Khi nào bạn muốn từ bỏ, hãy nghĩ lại lý do bạn bắt đầu.